'Lòng tham' ở UpCom

0:00 / 0:00
0:00

Bất chấp mức độ minh bạch thông tin kém hơn nhiều so với sàn HOSE và HNX, cổ phiếu trên sàn UpCom vẫn thu hút một bộ phận nhà đầu tư cá nhân tham gia. Điều gì đã khiến không ít cổ phiếu trên sàn UpCom trở nên hút tiền trong thời gian gần đây, và nhà đầu tư nên tìm kiếm những cổ phiếu như thế nào?

Ảnh minh họa. TTXVN
Ảnh minh họa. TTXVN

Sức hút của UpCom?

Sàn UpCom chính thức ra đời vào tháng 6-2009 và hiện là “nhà” của hơn 900 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng số doanh nghiệp đang niêm yết trên toàn thị trường. Tổng khối lượng đăng ký giao dịch trên sàn này đạt hơn 37 tỉ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch đạt 374.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 10-2020.

Trong khi sàn HOSE vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư tổ chức, sàn HNX ít nhiều ảm đạm, thì một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội trên sàn UpCom. Với biên độ dao động trong ngày lên đến 15%, cao gấp đôi so với sàn HOSE (7%) và gấp rưỡi so với sàn HNX (10%), dù rủi ro của sàn UpCom không nhỏ nhưng lợi nhuận đi kèm cũng đầy hấp dẫn, nên đã kích thích lòng tham của những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Cụ thể, các điều kiện niêm yết, quy định công bố thông tin trên sàn UpCom khá thoải mái và đơn giản hơn nhiều, doanh nghiệp cũng không phải tuân thủ những tiêu chí khắt khe như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ, tỷ suất sinh lời,... nên khá nhiều doanh nghiệp khi mới niêm yết lần đầu thường chọn sàn UpCom làm bến đỗ. Thậm chí nhiều trường hợp doanh nghiệp bị lỗ lũy kế và buộc phải hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX sau đó cũng quay lại giao dịch trên UpCom.

Chính vì vậy, sàn UpCom trở thành chốn nương thân của khá nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được sự minh bạch thông tin cũng như hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, cũng nhờ vào thông tin ở mức “tù mù” này mà sàn UpCom trở thành mảnh đất màu mỡ cho những “đội lái” chuyên làm giá cổ phiếu, thu hút những người ưa thích mạo hiểm và đầu cơ lướt sóng. Thực tế cho thấy không ít cổ phiếu trên sàn UpCom sau khi tăng giá phi mã đã lao dốc trở lại, thậm chí có những trường hợp doanh nghiệp bị phá sản.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khá nhiều doanh nghiệp lớn không chỉ có vị thế đầu ngành và kinh doanh hiệu quả, mà còn thu hút các quỹ đầu tư rót vốn, nhưng vẫn lựa chọn sàn UpCom để giao dịch trước khi chuyển sang HNX hay HOSE. Đơn cử nhiều doanh nghiệp vốn hóa khủng vẫn đang nằm trên UpCom như: Tổng công ty cổ phần (CTCP) Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), CTCP Masan High-Tech Materials (MSR), CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng CTCP Phát điện 3 (PGV), Tổng CTCP Dầu Việt Nam (OIL),...

Tính đến ngày 6-11, có 198 cổ phiếu trên cả ba sàn tăng từ 50% trở lên so với đầu năm, trong đó sàn HOSE có 43 mã, sàn HNX có 39 mã và sàn UpCom có đến 116 mã, chiếm tỷ trọng vượt trội 59%. Nếu tính theo mức độ tăng cao hơn từ 100% trở lên, thì có 68 cổ phiếu, trong đó sàn HOSE có 14 mã, HNX có 11 mã và UpCom có đến 43 mã, chiếm tỷ trọng hơn 63%.

Trong đó, những cổ phiếu có mức tăng tính bằng lần trên UpCom có thể kể đến như Tổng CTCP Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (MTA) tăng hơn 5,2 lần, CTCP Vận tải Thủy - Vinacomin (WTC) tăng 4,9 lần, CTCP Đường sắt Thuận Hải (THR) tăng 3,6 lần, CTCP Chăn nuôi - Mitraco và CTCP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đều tăng hơn 3,2 lần, CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tăng 2,1 lần..., dù trong số này có những cổ phiếu thanh khoản giao dịch rất thấp.

Nếu chọn đúng “game”

Thống kê cho thấy trong tháng 10 vừa qua, sàn UpCom ghi nhận hơn 813,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 11.400 tỉ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 37 triệu cổ phiếu/phiên, tăng gần 6% so với tháng trước, giá trị giao dịch đạt hơn 518,5 tỉ đồng/phiên, tăng 19,6% so với tháng trước.

Trong đó, năm cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trong tháng gồm LPB của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt là 197,4 triệu cổ phiếu, BSR hơn 60,7 triệu cổ phiếu, VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế gần 55,6 triệu, BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt 38,2 triệu và KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long gần 29 triệu cổ phiếu được sang tay.

Tính đến ngày 6-11, có 198 cổ phiếu trên cả ba sàn tăng từ 50% trở lên so với đầu năm, trong đó sàn HOSE có 43 mã, sàn HNX có 39 mã và sàn UpCom có đến 116 mã, chiếm tỷ trọng vượt trội 59%. Nếu tính theo mức độ tăng cao hơn từ 100% trở lên, thì có 68 cổ phiếu, trong đó sàn HOSE có 14 mã, HNX có 11 mã và UpCom có đến 43 mã, vẫn chiếm tỷ trọng hơn 63%.

Đáng lưu ý trong số này có LPB đã chuyển sang niêm yết trên HOSE từ ngày 9-11 còn VIB là từ ngày 10-11. Đây cũng là hai ngân hàng có giá cổ phiếu tăng rất mạnh trong thời gian qua trên UpCom nhờ chất xúc tác được chuyển sang giao dịch trên HOSE. Cụ thể, chỉ trong vòng một tháng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, cổ phiếu LPB đã tăng đến 33%, còn VIB cũng tăng gần 55% trong cùng khoảng thời gian ngắn ngủi trên.

Ngoài chuyển sàn, những doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn của Nhà nước cũng được kỳ vọng mang lại lợi nhuận rất hấp dẫn cho nhà đầu tư. Như trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX), sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ra tin thoái vốn lần 1, chỉ trong vòng 5 phiên từ ngày 10-8 đến 14-8, cổ phiếu này đã tăng giá gần gấp đôi từ 6.000 đồng lên gần 12.000 đồng.

Tính riêng danh sách thoái vốn của SCIC trong năm 2020, có khá nhiều doanh nghiệp đang giao dịch trên UpCom. Đơn cử như Tổng CTCP Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (VOC), Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam (SEA), tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN), CTCP Nhựa Việt Nam (VNP), CTCP Giao nhận Kho vận Ngoại Thương Việt Nam (VIN),... Những cổ phiếu này cũng đã tăng giá khá tốt thời gian qua.

Hay gần đây hơn là sự bứt phá của những cổ phiếu như G36 của Tổng CTCP 36 tăng gần gấp đôi từ đầu tháng 10 đến nay, DRI của CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk tăng 85% chỉ trong vòng nửa cuối tháng 10, trước những kỳ vọng lợi nhuận trong năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, không ít nhà đầu tư cá nhân hiện nay vẫn đang “đãi cát tìm vàng” trên sàn UpCom để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao nhất. Rõ ràng với biên độ giao động 15%/phiên, để đạt mức tăng trên 50%, nếu như cổ phiếu sàn HOSE cần đến 6 phiên tăng trần liên tiếp, HNX cần 4,5 phiên thì UpCom chỉ cần ba phiên.

Trước bối cảnh sàn UpCom ngày càng hút dòng tiền và được không ít nhà đầu tư quan tâm, với khả năng sinh lời hấp dẫn nhưng rủi ro đi kèm cũng không nhỏ, đòi hỏi cơ quan quản lý cần có những công cụ rà soát chặt chẽ hơn với chất lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch và nâng cao sự minh bạch thông tin, như là mục tiêu để phát triển thị trường chứng khoán chung.

Về phần mình, nhà đầu tư cũng nên có giải pháp tự bảo vệ mình, như chỉ ưu tiên đầu tư vào những doanh nghiệp có công bố thông tin rõ ràng, minh bạch, công khai; những doanh nghiệp có chất lượng cao với giá cả hợp lý; xác định điểm mua vào phù hợp và có phương án phòng ngừa rủi ro và cắt lỗ kịp thời nếu diễn biến thị trường không đi theo như kỳ vọng.

Chuyên đề