Long An: Nhiều câu hỏi về Dự án Công viên văn hóa Tân An cần được làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuy nằm ở khu vực được cho là “đất vàng” của TP. Tân An (Long An), nhưng sự “lôi thôi lếch thếch” tồn tại nhiều năm chưa được xử lý khiến dư luận ở địa phương đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về tính hiệu quả của Dự án Công viên văn hóa Tân An.
Do sự “lôi thôi lếch thếch” tồn tại nhiều năm chưa được xử lý, nên dư luận ở địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về tính hiệu quả của Dự án Công viên văn hóa Tân An
Do sự “lôi thôi lếch thếch” tồn tại nhiều năm chưa được xử lý, nên dư luận ở địa phương đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về tính hiệu quả của Dự án Công viên văn hóa Tân An

Kinh doanh không có trong giấy chứng nhận đầu tư

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, ban đầu Dự án Công viên văn hóa Tân An được đầu tư theo hướng xã hội hóa, tức Nhà nước chỉ đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công viên bằng nguồn vốn ngân sách, tạo tiền đề đầu tư theo hình thức BT, BOT và sau đó xã hội hóa bằng khai thác nguồn vốn từ các doanh nghiệp. Có ít nhất 6 doanh nghiệp thuê đất tại đây gồm: Công ty TNHH Bốn Phương, Doanh nghiệp tư nhân Nam Cường, Công ty CP Thương mại tổng hợp Năm Sao, Công ty CP Biển Đông, Công ty TNHH MTV Phương Nga và Công ty Rồng Vàng.

Tuy nhiên, hình thức này không còn phù hợp khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2007/NĐ-CP (danh mục kêu gọi đầu tư trong công viên không thuộc lĩnh vực đầu tư BOT). Ngày 11/1/2008, UBND tỉnh Long An có văn bản cho chủ trương thay đổi phương thức đầu tư: Đối với hạng mục Trung tâm Thương mại Hùng Vương chuyển sang hình thức cho thuê đất… Những hạng mục kêu gọi đầu tư khác đã được phê duyệt chủ trương trước đó, doanh nghiệp phải lập báo cáo đầu tư cụ thể thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Tỉnh phê duyệt cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành…

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là do xuất phát từ việc kêu gọi đầu tư, nhưng chưa thực sự tìm kiếm các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là do xuất phát từ việc kêu gọi đầu tư, nhưng chưa thực sự tìm kiếm các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư

Trong Bản thuyết minh điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/500 Dự án vào năm 2012, Trung tâm Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Xây dựng Long An nhận định, hiện trạng theo nguyên tắc phân khu chức năng công viên chưa đại diện được nét đặc trưng là một công viên văn hóa của TP. Tân An. Chỉ có 5 khu: vui chơi giải trí, thể dục thể thao, dịch vụ, hành chính, nhà hàng (nhà hàng 500 chỗ xem như chưa thực hiện), còn lại chủ yếu là: 8 điểm bán cà phê trong công viên, 2 khu hồ nước, 1 khu cho hồ bơi nhỏ để vui chơi, khu vực tennis, cầu lông phục vụ tập trung cho một số ít người chơi… chiếm 48,34%; diện tích còn lại dành cho đơn vị kinh doanh quản lý chiếm 51,66%, tức đất công viên đã giao hầu hết cho các doanh nghiệp khai thác sử dụng.

Đáng lưu ý, một số đơn vị nói trên kinh doanh ngành nghề không có trong giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Phương Nga - Khu liên hợp thể dục thể thao Mỹ Đình - kinh doanh giải khát ngoài nhà, thỉnh thoảng kinh doanh tiệc cưới trong nhà thi đấu cầu lông. Công ty CP Biển Đông, Công ty TNHH Bốn Phương kinh doanh thêm dịch vụ giải khát. Ngoài ra, trong công viên còn có một số khu vực “mọc lên” từ khu vực sân khấu ngoài trời cũ, trong khi chưa xác định rõ chức năng quy hoạch. Đặc biệt, mật độ cây xanh trên công viên chưa đủ bóng mát, do chưa thực sự đầu tư đúng mức các loại cây trồng có giá trị lâu dài, nhất là khu vực trung tâm của công viên.

"Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, theo Trung tâm Quy hoạch xây dựng, là do xuất phát từ việc kêu gọi đầu tư, nhưng chưa thực sự tìm kiếm được các nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện đầu tư... Vì vậy, không nên đầu tư tập trung về thương mại - kinh doanh, bởi loại hình này có thể xây dựng bất cứ nơi nào khác theo định hướng quy hoạch, không nhất thiết vào chiếm quỹ đất công viên", nội dung Bản thuyết minh điều chỉnh quy hoạch xây dựng nêu quan điểm.

Cư dân kêu trời với công viên

Trong quá trình đi khảo sát thực tế ở dự án này, cư dân sống quanh đây cho biết, hình ảnh gây phản cảm ở Công viên văn hóa Tân An nhan nhản. Đơn cử như dự án khu nhà hàng 500 chỗ của Công ty Rồng Vàng nằm trơ trọi dưới nắng mưa, lộ rõ rêu mốc, chỉ xây dựng những cọc bê tông và đã hơn 15 năm nay vẫn không triển khai tiếp.

Nhiều người dân sống ở TP. Tân An thắc mắc, nếu doanh nghiệp đầu tư không đủ khả năng thực hiện thì vì lý do gì chính quyền Tỉnh không thu hồi dự án mà phải để hình ảnh không đẹp mắt ở công viên thành phố tồn tại trong một thời gian dài?

Người dân bức xúc cho rằng, những hình ảnh nhếch nhác này không xứng tầm với một công viên văn hóa

Người dân bức xúc cho rằng, những hình ảnh nhếch nhác này không xứng tầm với một công viên văn hóa

Vẫn theo phản ánh của cư dân, Dự án Công viên nước Tân An do Công ty CP Biển Đông đầu tư với quy hoạch ban đầu hơn 11.000 m2 đất công, dùng làm khu công viên nước phục vụ người dân. Sau khi điều chỉnh lại quy hoạch, thay đổi thành bể bơi với diện tích khoảng 2.500 m2 mặt nước; phần lớn diện tích còn lại được chủ đầu tư làm nơi kinh doanh nhà hàng, cafe, dầu nhớt xe, vui chơi thiếu nhi (không đúng quy hoạch).

Đặc biệt, cư dân hết sức bất bình khi cho rằng, khu vực Dự án Greed Park được chuyển đổi công năng từ trung tâm thương mại kinh doanh sản phẩm đặc sản, văn hoá địa phương thành trung tâm kinh doanh xe gắn máy, rồi nay đem cho thuê kinh doanh cafe và trò chơi lô tô mà chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp xử lý.

Thực ra, những vấn đề thắc mắc này không phải bây giờ mới bùng lên, mà từ cách đây hơn 10 năm, cử tri đã thắc mắc khá nhiều lần. Câu hỏi này đã đến lúc cần có sự trả lời thỏa đáng từ chính quyền tỉnh Long An để giải tỏa những nghi ngại đối với người dân và nếu những khúc mắc của người dân chưa thuyết phục thì đó cũng là cách minh bạch thông tin để doanh nghiệp thuê đất ở đây yên tâm đầu tư.

Chuyên đề