Lỗ hổng thẩm định hồ sơ vay vốn

Mỗi ngân hàng đều có quy trình, quy chế thẩm định khách hàng khắt khe, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ việc bị khách hàng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp đang có nhiều lỗ hổng.
Làm tốt công tác thẩm định khách hàng giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng hoàn vốn vay
Làm tốt công tác thẩm định khách hàng giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng hoàn vốn vay

Thẩm định tư cách khách hàng, khả năng tài chính, phương án vay vốn là khâu quan trọng trong quy trình thẩm định. Làm tốt những khâu này có thể giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng hoàn vốn vay. Song những vụ án hình sự xảy ra gần đây thể hiện nhiều ngân hàng chưa làm tốt điều này.

Vụ án Nguyễn Quốc Đạt (sinh năm 1970, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Trang) và Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1977, vợ Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Lưỡng Thổ) chiếm đoạt hơn 210 tỷ đồng là điển hình về phương thức “làm xiếc” báo cáo tài chính để qua mặt ngân hàng.

Theo nội dung vụ án, trên giấy tờ pháp lý, các đối tượng đăng ký thành lập 2 pháp nhân như trên để kinh doanh các mặt hàng thép. Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tượng ký hợp đồng mua bán thép với nhau để luân chuyển tiền qua lại nhằm tạo doanh số “ảo”.

Cụ thể, bằng cách chuyển khoản và tiền mặt cho nhau, Công ty Hồng Trang đã tạo ra dòng tiền “khủng” từ 200 tỷ đồng (năm 2009) lên 1.600 tỷ đồng (năm 2010). Trên cơ sở báo cáo tài chính của doanh nghiệp có sự tăng trưởng nhanh về doanh thu và lợi nhuận, ngân hàng xếp hạng Công ty Hồng Trang ở mức AA (điểm định hạng tín dụng là 86,96 điểm).

Với việc được đánh giá tín nhiệm cao, hạng Công ty Hồng Trang được hưởng chính sách ưu tiên khi ký các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh mà tài sản đảm bảo chỉ cần xác định 30% giá trị được bảo lãnh. Lợi dụng thư bảo lãnh ngân hàng, Đạt và Hồng đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền hàng của đối tác.

Nếu câu chuyện “làm xiếc” với báo cáo tài chính diễn ra khá phổ biến thì việc thành lập công ty “ma”, công ty ở nước ngoài cũng không còn xa lạ. Khi đó, việc thẩm định hồ sơ pháp lý là điều kiện quan trọng quyết định vốn vay có được sử dụng đúng mục đích hay không.

Quá trình điều vụ án Nguyễn Hồng Anh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Container Quốc tế Cas (Cascon) chiếm đoạt số tiền 16,7 triệu USD (tương đương 353,1 tỷ đồng) cho thấy, ngân hàng đã buông lỏng khâu thẩm định.

Theo cáo trạng, bị can Hồng Anh sử dụng Công ty Sunny Investment (SNI) lập các hợp đồng khống, phương án kinh doanh khống để nộp hồ sơ vay vốn ngân hàng. Đáng chú ý, Công ty SNI do Nguyễn Hồng Anh và Hsu Wen-ta (người Đài Loan) thành lập năm 2010 tại quần đảo Virgin thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh. Từ khi có giấy phép kinh doanh, Công ty SNI không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Năm 2011, khi ngân hàng ráo riết đòi nợ mới hay, Công ty SNI đã được các đối tượng chuyển nhượng cho người khác.

Nhiều vụ án khác được báo chí phản ánh cũng là bài học nhãn tiền về lỗ hổng thẩm định hồ sơ vay vốn doanh nghiệp. Nhiều cán bộ ngân hàng khi đứng trước vành móng ngựa thừa nhận rằng, mình chỉ thẩm định hồ sơ “trên giấy”, hoặc “nhắm mắt” làm theo chỉ đạo của cấp trên. Trong rất nhiều nguyên nhân, năng lực thẩm định của cán bộ ngân hàng là vấn đề đáng bàn.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh) cho rằng, hầu hết cán bộ thẩm định của ngân hàng đều được đào tạo khâu nghiệp vụ về kiểm tra thông tin¸ rà soát, thẩm định tại chỗ, cách đánh giá năng lực doanh nghiệp… Nếu các cán bộ này thực hiện đúng quy trình, theo Luật sư Truyền, doanh nghiệp “muốn giấu cũng không được”. Khi đó, rủi ro cho ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể.

Thực tế là, có nhiều vụ việc, cán bộ thẩm định chỉ quan tâm đến sổ sách doanh nghiệp, mà không quan tâm đến nguồn thẩm định, tức là bỏ qua công đoạn thẩm định chéo. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải hoạt động từ 1-3 năm, hoặc có báo cáo tài chính, hồ sơ quyết toán thuế…, mới được vay vốn. Đó là chưa kể, tại doanh nghiệp thường tồn tại 2-3 hệ thống sổ sách nhằm mục đích khác nhau, trong đó có việc đối phó cơ quan thuế, đấu thầu, vay vốn…

“Từ thực tế trên, cán bộ thẩm định cũng phải nắm trong tay từ 2-3 bộ hồ sơ mới có thể đưa ra kết quả đánh giá chung về năng lực doanh nghiệp, từ đó tính toán dự trù rủi ro. Cách thức để có được những hệ thống hồ sơ này không khó và phức tạp như nhiều cán bộ thẩm định thường bao biện”, Luật sư Truyền cho hay.

Cũng theo vị luật sư này, ngoài áp lực chỉ tiêu, việc cán bộ thẩm định làm theo chỉ đạo cấp trên là không hiếm.

“Mệnh lệnh hành chính đang can thiệp sâu vào nghiệp vụ mà đáng ra bản chất của nó phải thể hiện sự trung thực, khách quan. Điều này đã khiến không ít cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý như trong một số vụ án ngân hàng thời gian qua”, Luật sư Truyền nói.

Chuyên đề