Lẽ sống của danh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giữa các biến động của thời cuộc, sự phát triển của đất nước bước vào giai đoạn mới với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều người trẻ băn khoăn trước các lựa chọn về phong cách sống và lý tưởng của cuộc đời. Họ có chăng ngẫm nghĩ và tìm hiểu về các vị danh nhân đã dành trọn cuộc đời “vì dân, vì nước” và coi đó là lẽ sống của đời mình?
Viện Nghiên cứu danh nhân đặc biệt chú trọng nghiên cứu di sản đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam học tập tấm gương trí tuệ, đạo đức để sống tốt hơn, sống có ích cho đời
Viện Nghiên cứu danh nhân đặc biệt chú trọng nghiên cứu di sản đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam học tập tấm gương trí tuệ, đạo đức để sống tốt hơn, sống có ích cho đời

Trăn trở đó đã đưa GS. TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đến việc hiện thực hóa ý tưởng thành lập Viện Nghiên cứu danh nhân.

Trò chuyện với Báo Đấu thầu dịp Tết Quý Mão, bận rộn với những kế hoạch công việc của Viện Nghiên cứu danh nhân trong năm tới, GS. TS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ: “Cuộc đời của các danh nhân cùng với sự đóng góp cho đất nước, những di sản đạo đức, văn hóa để lại là đề tài nghiên cứu vô tận và có ý nghĩa thiết thực về mặt định hướng cho cuộc sống của người Việt Nam nói chung và thế hệ thanh niên ngày nay nói riêng”.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, 3 thế kỷ trước đây, nhà bác học Lê Quý Đôn nói: “Phi trí bất hưng”, danh sĩ Thân Nhân Trung từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Vua Quang Trung ngay sau khi xưng đế đã ban bố Lập học chiếu (chiếu về việc học) để chấn chỉnh nền giáo dục nước nhà và coi trọng sử dụng người hiền tài.

Tiếp nối tinh thần đó, trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có thể nói, Bác Hồ là người truyền cảm hứng vĩ đại cho dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ về việc học để đưa đất nước phát triển phồn vinh.

Khi Bác mất, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Người đã tìm ra con đường cứu nước cứu dân, đưa dân tộc ta đến địa vị tự chủ, xứng đáng với người dân của nước độc lập tự do. Cả cuộc đời, Bác phấn đấu cho điều đó!

Thời đại Hồ Chí Minh được Đảng đánh giá là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Kể từ đó, danh nhân thời đại Hồ Chí Minh gắn với không gian văn hóa, xã hội và kinh tế ở vị thế mới.

Điều này cũng phù hợp với bối cảnh đổi mới và hội nhập của nước ta. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong đó, Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt… phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

“Các vấn đề lịch sử và thời cuộc đó gợi mở sự cần thiết tập hợp các nhà khoa học có tâm huyết, trình độ, chuyên môn sâu về từng lĩnh vực để cùng nhau nghiên cứu về sự hình thành và phát triển các nhân tài Việt Nam. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi thành lập tổ chức nghiên cứu này vào tháng 7/2021”, GS. Hoàng Chí Bảo nói.

Viện Nghiên cứu danh nhân có sứ mệnh nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến xuất sắc của các danh nhân đối với sự phát triển trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa nhân loại. Trước hết và chủ yếu là các danh nhân nước Việt trong thời đại Hồ Chí Minh; kết hợp nghiên cứu với đào tạo - bồi dưỡng và quảng bá thông tin về danh nhân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để hoàn thiện nhân cách con người Việt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu danh nhân còn truyền cảm hứng tới mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Trước mắt và lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối tượng nghiên cứu về cả tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Không chỉ vậy, Viện sẽ nghiên cứu hoạt động thực tiễn trong nước và trên thế giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu những cống hiến của Người với dân tộc và thế giới để rút ra bài học cần thiết cho việc tu dưỡng rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng hình thành danh nhân Việt Nam thế hệ tiếp theo.

Ngoài ra, Viện sẽ đặc biệt chú trọng nghiên cứu di sản đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phẩm chất: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đây cũng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của người Đảng viên theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mục đích của các nghiên cứu là giúp thế hệ trẻ Việt Nam noi gương các danh nhân, tấm gương trí tuệ, đạo đức để sống tốt hơn, sống có ích cho đời.

Có lẽ, một số người cho rằng, việc nghiên cứu về danh nhân để truyền đạt những lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay là điều xa vời bởi lối sống thực dụng, xem nhẹ giá trị tinh thần đang len lỏi trong cuộc sống của chúng ta. Song thực tế, trên khắp các nẻo đường, đi đâu cũng có thể gặp những bạn trẻ đang dấn thân vì Tổ quốc, vì lý tưởng sống cao đẹp.

Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam.

Do đó, để kết quả các nghiên cứu có giá trị lan tỏa rộng khắp và hiệu quả, rất cần sự chung tay của giới nghiên cứu, các nhà khoa học và đông đảo người dân vì một lý tưởng đạo đức là hướng tới khát vọng sống chính trực của người dân Việt Nam.

Chuyên đề