TP.HCM yêu cầu quá trình lập quy hoạch phải lưu ý đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: KĐT Tây Bắc |
Cụ thể, về định hướng quy hoạch hình dáng bờ biển, đơn vị cần lưu ý đến việc ứng phó biến đổi khí hậu, do khu vực thị xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh là vùng đất có địa hình thấp, sát biển, gần các cửa sông. Khu lấn biển có giải pháp khắc phục các hạn chế của biến đổi khí hậu thông qua đầu tư hạ tầng, đê biển.
Thành phố cũng yêu cầu việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải đồng bộ, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, kết nối đồng bộ với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ.
Về nội dung nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ (thay thế phà Bình Khánh) và đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao kết nối từ cầu Cần Giờ đến Khu đô thị biển Cần Giờ sẽ được bổ sung vào đề bài thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung huyện Cần Giờ.
Được biết, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870ha. Theo dự kiến, tổng kinh phí dự án khoảng 8.470 tỷ đồng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2007 gồm công tác san lấp biển, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thi công phần cơ sở kỹ thuật hạ tầng và hoàn thành vào giữa năm 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án mới thực hiện đến bước nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000.
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ báo cáo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo UBND TP.HCM, đơn vị này cần đề xuất cơ cấu sử dụng đất hợp lý, đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị trong tương lai.
Đồng thời, đơn vị cần phân tích rõ các yếu tố tác động lớn đến sự phát triển của thành phố và quy hoạch chung của huyện Cần Giờ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh, xây dựng tuyến đường trên cao kết nối từ cầu Cần Giờ đến khu đô thị biển Cần Giờ.
Tuy nhiên, Khu đô thị Cần Giờ không mở rộng đường Rừng Sác theo quy hoạch có mặt cắt ngang từ 60 - 120m, tương đương 10 làn xe cơ giới để đảm bảo không ảnh hưởng gián tiếp đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, phù hợp với xu hướng bảo tồn của thế giới hiện nay…
Hồi tháng 6 năm nay, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với huyện Cần Giờ lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đối với huyện này. Nhiệm vụ trên được triển khai sau khi Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc việc nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu vực ven biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Quy hoạch này cũng để cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030. Sau khi quy hoạch được duyệt, UBND TP.HCM sẽ xem xét quy mô dự án đầu tư khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Huyện Cần Giờ có hơn 70.000 ha rừng đước, dừa nước, sông và kênh rạch, là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận vào năm 2000. Cuối năm 2007, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đã khởi động dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Hồi năm 2010, huyện Cần Giờ đã được xác định trở thành một khu đô thị du lịch biển có quy mô lớn nhất Việt Nam và mang tầm cỡ quốc tế. Tại đây, thành phố sẽ phát triển nhiều mô hình sản phẩm du lịch như: thủy cung để tận dụng khai thác nguồn sinh vật biển tại chỗ; khai thác tuyến du lịch mang giá trị lịch sử tại khu Rừng Sác; xây dựng khu khai thác thủy hải sản của Cần Giờ…