Ảnh minh họa: Internet |
Ngoài nguồn vốn đầu tư, việc đào tạo nâng cao năng lực công nghệ cho người lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng chuyển giao công nghệ lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam.
Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư lĩnh vực CNC, công nghệ sạch. Với mục tiêu tập trung và liên kết các hoạt động nghiên cứu - đào tạo, sản xuất - kinh doanh và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNC, 3 khu CNC đã được thành lập tại Hà Nội (Khu CNC Hòa Lạc), Đà Nẵng và TP.HCM. Cho đến nay, theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, riêng Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 87 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 78.000 tỷ đồng. Tại đây có sự hiện diện của một số nhà đầu tư, DN đến từ Hàn Quốc như: Công ty liên doanh Y học Việt - Hàn, Công ty DT&C, Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc...
Không chỉ lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, mà xu hướng các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất ngày càng rõ nét. Mới đây nhất, Tập đoàn Hanwha vừa chính thức đưa Nhà máy Hanwha Aero Energy chuyên sản xuất động cơ máy bay với quy mô vốn đầu tư đăng ký là 200 triệu USD (khoảng 4.500 tỷ đồng) đi vào hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc. Đây là nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại Việt Nam.
Như vậy, trong gần 10 năm qua, Tập đoàn Hanwha đã đầu tư Hanwha Life, Hanwha Techwin... và nay là Hanwha Aero Engines tại Việt Nam với tổng mức đầu tư của các dự án này là khoảng 1 tỷ USD. Không dừng lại ở đó, sau Hanwha Aero Energy, Tập đoàn còn có tham vọng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư các lĩnh vực nòng cốt đa dạng khác tại thị trường Việt Nam nhằm hướng đến thị trường toàn cầu.
Ngoài liên tục tăng vốn, mở rộng quy mô đầu tư, việc đào tạo kỹ năng lao động, chuyển giao công nghệ cũng được các nhà đầu tư nước ngoài coi trọng. Ông Kim Seung Yeon, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha cho biết, để vận hành Nhà máy Hanwha Energy, Tập đoàn dự kiến sẽ cần khoảng 900 nhân viên vào năm 2020. Để chuẩn bị nguồn nhân lực lớn và đòi hỏi có kỹ thuật cao để vận hành các công nghệ hiện đại, Tập đoàn sẽ dành khoảng 370 triệu USD để đầu tư cho việc đào tạo nhân viên, bao gồm: gửi nhân viên ra nước ngoài đào tạo, đưa chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để đào tạo kỹ năng, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực về công nghệ cho lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương kỳ vọng, những mô hình đầu tư và chuyển giao công nghệ như dự án nêu trên sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt, giúp thu hút thêm các DN CNC của Hàn Quốc nói riêng và từ các quốc gia khác. Qua đó mở ra cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, tạo điều kiện chuyển giao và nâng cao năng lực về công nghệ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, để giữ chân được các nhà đầu tư, theo ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật và chuyên gia cần thiết cho các ngành công nghiệp CNC. Mặc dù chuyển giao công nghệ là rất quan trọng, nhưng trong trường hợp cần thiết, một số công nghệ tiên tiến nên được mạnh dạn đầu tư. Việc đơn thuần thu hút các công ty nước ngoài để giải quyết vấn đề này là một cách thức còn nhiều hạn chế.