Làm sao thu hút lao động quay trở lại làm việc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng một bộ phận công nhân lao động rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động, gây khó cho nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh, y tế và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp, thu hút 1,2 triệu lao động. Do đại dịch Covid-19 nên thời gian qua chỉ có hơn 134.000 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Tính đến nay đã có 30 doanh nghiệp được chấp thuận hoạt động trở lại với tổng số trên 19.000 công nhân đi làm.

Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để công nhân sớm được đi làm. Trường hợp những công nhân đã về quê, sẽ có phương án đón quay trở lại nơi làm việc cũ nếu người lao động có nhu cầu.

Bên cạnh các giải pháp trên, UBND Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động để đảm bảo đủ điều kiện quay trở lại làm việc sớm nhất tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sẽ giúp công nhân an tâm ở lại sản xuất, giảm bớt gánh nặng thiếu hụt lao động.

Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp lẫn người lao động

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Gần 5 tháng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp bị sụt giảm 80% đơn hàng, trong khi đó, hơn 50.000 lao động đã về quê. Tuy nhiên, điều đáng mừng là đến đầu tháng 10, khi tình hình dịch dần được kiểm soát, đã có gần 90% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động trở lại theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 xanh" - tức là người lao động đến doanh nghiệp làm việc và về trong ngày. Các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" ở “vùng xanh” cũng có thể cho người lao động về nhà.

Đối với tỉnh Bình Dương, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động luôn là nhiệm vụ then chốt, đặt lên hàng đầu, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Do số lượng người lao động, chuyên gia làm việc tại Bình Dương nhưng sinh sống ở TP.HCM hoặc ngược lại rất đông, Tỉnh đã có biện pháp để tạo thuận lợi trong việc đi lại cho người lao động. Cụ thể, Bình Dương đã có văn bản trao đổi với TP.HCM về phương án di chuyển, lưu thông giữa 2 địa bàn. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải Bình Dương cũng đã làm việc với các tỉnh, thành để thống nhất phương án triển khai ngay, tránh tình trạng người lao động không thể quay lại Bình Dương làm việc. Đầu tiên, Bình Dương ưu tiên việc lưu thông phương tiện cá nhân giữa những địa bàn giáp ranh với TP.HCM.

Đối với doanh nghiệp, Bình Dương sẽ nỗ lực giảm tối đa chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp để đưa hoạt động sản xuất về trạng thái bình thường mới. Địa phương hiểu rõ thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất cố gắng, tốn nhiều chi phí cho dịch vụ này.

Tăng tốc tuyển dụng thêm lao động

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam

Từ ngày 5/10/2021, Công ty được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận cho trên 5.000 lao động đủ điều kiện trên tổng số 25.000 lao động của Công ty được trở lại làm việc. Vì vậy, Công ty đang thiếu rất nhiều lao động. Trong khi đó, nhiều lao động muốn trở lại làm việc để có thu nhập nhưng chưa đủ điều kiện vì còn bị cách ly y tế hoặc nằm trong vùng phong tỏa. Khi sản xuất đi vào ổn định, Công ty sẽ tăng tốc tuyển dụng thêm lao động để đảm bảo nguồn lực cho sản xuất.

Bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động tuyển dụng lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân. Bởi hiện nay, nhiều lao động dù ở vùng an toàn nhưng chưa được tiêm vaccine thì cũng không đủ điều kiện để đi làm tại các doanh nghiệp.

Sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng vì thiếu hụt nhân lực nhưng không quá trầm trọng

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Thiếu hụt nguồn lao động trong quý IV và đầu năm 2022 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng có thể sẽ không xảy ra.

Bởi vì, khi ứng phó với diễn biến dịch bệnh qua từng đợt, Chính phủ xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo một cách thận trọng, mở cửa dần dần. Doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, thu hút lao động theo chính sách mở cửa của Chính phủ, theo hướng sản xuất tới đâu thì thu hút lao động tới đó. Do đó, khả năng thiếu hụt lao động trầm trọng có thể sẽ không xảy ra vì các doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất như trước, mà phải thu hút lao động cho sản xuất phù hợp với tiến trình mở cửa trở lại của nền kinh tế.

Việc cần làm là xây dựng những chính sách tốt, dần mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình phù hợp, lực lượng lao động cũng sẽ dần quay trở lại. Tôi tin tưởng rằng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp phát triển kinh tế căn cơ hơn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội có chuyển biến mới, tích cực trong thời gian tới.

Cần thực hiện các gói hỗ trợ lớn hơn cho người lao động

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

Việc nhiều người lao động từ khắp các địa phương rời TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để về quê có 2 nguyên nhân chính. Trước hết, họ chịu cú sốc về tâm lý khi dịch Covid-19 diễn ra quá khốc liệt cùng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ kéo dài trong nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, người lao động mất việc làm, mất thu nhập nên buộc phải về quê.

Để kéo người lao động quay trở lại, cần thực hiện các gói hỗ trợ an sinh trực tiếp lớn hơn. Gói hỗ trợ này cần đảm bảo cho người lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm có thể đủ sống, từ đó tái sản xuất sức lao động. Chẳng hạn, hỗ trợ một phần chi phí nhà ở, đi lại, y tế. Gói hỗ trợ này có thể chi trả trực tiếp cho người lao động hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua doanh nghiệp bằng cách doanh nghiệp thu hút được người lao động quay trở lại và tái hoạt động sản xuất thì được hưởng ưu đãi tín dụng và hỗ trợ về thuế, phí. Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các chính sách ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ người lao động quay lại làm việc như cung cấp túi an sinh, chi trả một phần chi phí nhà ở, tận dụng các chính sách hỗ trợ của địa phương để cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề