Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc. |
Tuần qua, một loạt thông tin giật diễn biến lãi suất VND trong nước với những từ mạnh như "chạy đua", "cuộc đua", "căng thẳng"… Nhưng, trên thị trường thế giới mới đáng chú ý hơn.
Thực ra, mức tăng lãi suất huy động VND vừa qua tại bốn ngân hàng thương mại lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank rất nhẹ; chưa có bất cứ biểu hiện nào của một "cuộc đua" hay "chạy đua", càng không phải là cơ sở để suy diễn thanh khoản hệ thống có biểu hiện căng thẳng.
Năm 2018 đang khác biệt
Nhìn trực tiếp vào lãi suất, tại nhóm trên, ở nhiều kỳ hạn vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm trước, hoặc thay đổi chỉ 0,1%/năm, nhỉnh một chút ở vài kỳ hạn cục bộ.
Điểm cần chú ý ở lãi suất ngân hàng hiện nay nổi bật hơn ở… lãi suất không kỳ hạn.
Vài năm trước, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam còn áp lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn 0,5%/năm - mức đáng kể cho những món nhàn rỗi, những khoản tiền gửi thanh toán đọng trên tài khoản.
Nhưng nay, lãi suất đó tại những ngân hàng lớn trên chỉ còn 0,1%/năm. Giảm rất mạnh so với những năm trước.
Vì sao lãi suất tiền gửi không kỳ hạn trở nên đáng chú ý? Vì đây là chi phí cho một nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng và càng giá trị đối với các ngân hàng thương mại.
Xem báo cáo tài chính nhiều ngân hàng thương mại khoảng dăm năm trước, lượng tiền gửi không kỳ hạn còn khiêm tốn, tỷ trọng quanh 10% cơ cấu vốn huy động. Nhưng, vài năm trở lại đây, đã có nhiều thành viên có được tỷ trọng 17-20%, thậm chí đạt tới 25%...
Sự gia tăng đó phản ánh độ nở lớn và nhanh của nền kinh tế, xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt, giao thương đạt những cấp độ cao hơn về lượng.
Với ngân hàng, tỷ trọng gia tăng nhanh, trong khi chi phí giảm mạnh như trên (lãi suất trả phổ biến 0,5%/năm trước đây giờ chỉ còn 0,1%/năm), tiền gửi không kỳ hạn trở thành tài nguyên quan trọng trong cân đối nguồn, chi phí hoạt động và cạnh tranh lãi suất cho vay.
Nhìn về tổng thể hoạt động hệ thống, cũng chẳng có cơ sở nào để thấy rằng thanh khoản căng thẳng và "chạy đua" lãi suất. Thậm chí ngược lại.
Năm 2018 đang trở nên khác biệt với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong lịch sử hiếm có năm nào mà một lượng tiền phải "nhốt bớt" lớn như vậy và kéo dài trạng thái này qua các quý như vậy.
Tháng 6/2018, tại diễn đàn Quốc hội, phán ánh một góc độ dư thừa lớn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết có tới 150.000 tỷ đồng phải chuyển về cất ở Ngân hàng Nhà nước. Quanh thời điểm đó, số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành (công cụ bán ra hút tiền về) cũng xoay quanh khoảng 150.000 tỷ đồng. Vị chi, mức độ dư thừa cao điểm từng lên tới quanh 300.000 tỷ đồng trong hệ thống, mà buộc phải điều tiết qua hai kênh trên.
Qua thời gian, theo mức độ hấp thụ dần của nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, lượng tiền tạm "nhốt" qua kênh tín phiếu dần dần chảy ra thị trường, ngấm dần có kiểm soát.
Và đến cuối tuần qua, số dư lưu hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 36.890 tỷ đồng (tính đến phiên 18/10). Dù nó đã giảm xuống đáng kể nhưng vẫn đủ để phản ánh nhất định một phần "của để dành" cho thanh khoản hệ thống.
Nhìn sang kênh Ngân hàng Nhà nước cho vay cầm cố, cũng chẳng có biểu hiện nào "căng thẳng" khi cả tháng qua thảng mới có phiên có chút tổ chức tín dụng vay mượn.
Trong những dòng chảy đó, vừa qua có "yếu tố bất thường" tác động đến cân đối, điều tiết nguồn trong hệ thống. Ngân hàng Nhà nước có vài đợt bán ra ngoại tệ để ổn định tỷ giá USD/VND, đồng nghĩa với việc hút VND về, nhưng không quá lớn.
Bên ngoài mưa bão
Sau các diễn biến, các kênh điều tiết và cân đối trên, lãi suất VND và tỷ giá USD/VND đến nay vẫn tương đối ổn định, cả trên thị trường liên ngân hàng. Đó là một cân bằng động trong một bối cảnh đầy mưa bão ở bên ngoài.
Cũng tuần qua, những biến động trên thị trường thế giới trở nên điển hình cho những phức tạp và khả năng tác động bất lợi.
Đêm 10/10, thị trường chứng khoán Mỹ sập mạnh, mà hiệu ứng tác động thể hiện ở trạng thái "trắng bên mua" ở thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên liền đó.
Nó phản ánh hệ quả của những yếu tố tác động khác đang có chiều hướng phức tạp hơn.
Trước hết, sau phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thể hiện quan điểm cứng rắn về lộ trình tăng lãi suất.
Đồng pha, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm một lần nữa vọt trên mốc 3,2%. Với thị trường Việt Nam, "chỉ báo" này từng ám ảnh với sự chao đảo của thị trường chứng khoán, khi lần đầu tiên trong năm nó vượt mốc 3% vào ngày 25/4, tiếp tục vượt 3,1% vào trung tuần tháng 5, mà không phải ngẫu nhiên đây là đoạn nhà đầu tư nước ngoài có chuỗi bán ròng mạnh và kéo dài, cũng như tỷ giá USD/VND có biểu hiện biến động…
Cũng là ám ảnh đối với thị trường Việt, tuần qua, ngày 17 và 18/10, giới đầu tư có thể "thót tim" với đường kẻ thẳng xuyên thủng các đáy tính theo năm trên biểu đồ tỷ giá đồng Nhân dân tệ với USD. Vùng điểm 6.82 - 6.83 tưởng như cơ bản ổn định của cặp tỷ giá này với diễn tiến cuộc chiến thương mại, thì đường kẻ thẳng trên xuyên đến mức 6,94.
Ngay sau diễn biến đó, các chiến lược gia tiền tệ đã phải đưa ra tình huống đồng Nhân dân tệ có thể giảm quá "giới hạn đỏ". Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cú sập xuống đáy 4 năm buộc giới chức nước này phải đồng loạt lên tiếng trấn an.
Đó là chưa kể cú bứt phá hiếm thấy của giá vàng từ đầu năm đến nay trên thị trường thế giới, vượt xa dứt khoát mốc 1.200 USD/oz; hay cú lao dốc bất ngờ của giá dầu WTI từ trên 76 USD xuống 68,5 USD/thùng…
Trong bối cảnh nhiều biến động lớn và phức tạp trên thị trường thế giới, như trên, lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam cơ bản vẫn tương đối ổn định. Thậm chí tuần qua Ngân hàng Nhà nước vẫn khá nhàn ở các kênh điều tiết tín phiếu và cho vay cầm cố; thị trường liên ngân hàng không có biến động lớn.
Trước thềm của tuần đầy biến động này, hội nghị chung thống đốc các nước hội viên nhóm Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong khuôn khổ Hội nghị thường niên IMF/WB 2018, diễn ra tại Bali (Indonesia).
Tại hội nghị, cả IMF và WB đều đánh giá cao Việt Nam trong việc giữ được sự ổn định trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, trong khi tỷ giá và lãi suất tại nhiều nước đang phát triển, kể cả trong khu vực, đã và đang biến động mạnh và chịu sức ép lớn trong một thế giới "nhiều mưa bão".