Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở TP HCM. Ảnh:QH. |
Theo biểu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng có những bước tăng mạnh trong phiên 21/11. Cụ thể, mức lãi suất bình quân qua đêm đã tăng từ khoảng 1,7% lên 3,34% mỗi năm.
Diễn biến tăng này bắt đầu từ ngày 19/11. Theo đó, trong ngày đầu tiên thực hiện trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn mới, lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng từ 1,72% mỗi năm phiên liền trước đã tăng lên 2,1% một năm. Đến phiên 20/11, lãi suất tiền đồng trên thị trường này tiếp tục tăng mạnh lên, mức bình quân qua đêm đã lên 2,35% mỗi năm.
Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc tăng lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng không liên quan đến việc điều chỉnh trần lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước. Bởi giao dịch trên thị trường 2 chủ yếu xảy ra với kỳ hạn qua đêm và dưới một tháng, trong khi trần huy động mới áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (trong đó chiếm số lượng nhiều là các kỳ hạn trên một tháng). Theo đó, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ông Tín cũng cho rằng, thường vào cuối tháng các nhà băng phải đáp ứng quy định dự trữ bắt buộc, cộng với việc thị trường bắt đầu bước vào mùa cao điểm thanh toán cuối năm, lãi suất liên ngân hàng thường tăng lên.
Năm nay, tháng cuối cùng của năm 2019 đã gần kề, đặc biệt là Tết dương lịch gần với Tết Nguyên đán. Nhưng theo Tiến sĩ Tín, cân đối vốn và thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện tốt hơn nhiều và có khác biệt lớn so với những năm trước.
Cụ thể là thời điểm này năm ngoái, trên thị trường mở (OMO) tầm tháng 10 Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 60.000 tỷ đồng, nhưng năm nay thì gần như bằng 0. Điều này chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá ổn định. Hệ thống tự điều tiết tốt hơn và thậm chí có dư thừa vốn.