Hiện tượng lãi suất âm đang gây tranh cãi trong giới tài chính. |
Nói cách khác, ví dụ một người vay 1 triệu đô la Mỹ rồi 10 năm sau trả lại khoản vay, người đó chỉ cần trả 995.000 đô la mà thôi.
Đây chỉ là một trường hợp được báo chí đưa tin rộng rãi; các tin khác cũng cho thấy hiện tượng lãi suất âm như trái phiếu chính phủ Đức hay Thụy Sỹ đang có lợi suất âm; Ngân hàng UBS sẽ tính phí 0,6% cho khách muốn gửi tiền nhiều; Credit Suisse cũng có ý định tương tự. Các trường hợp này đi ngược với logic thông thường là khi sử dụng đồng tiền của người khác thì phải trả chi phí chứ ai đời lại còn được trả thêm tiền. Đó là chưa kể lạm phát hàng năm còn ăn vào giá trị đồng tiền thêm một khoản nữa.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, có khả năng tăng trưởng sẽ chững lại, các nước sử dụng biện pháp cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Lãi suất giảm sẽ làm tăng lượng cung tiền chảy vào nền kinh tế, đồng thời có tác dụng kích thích tăng trưởng nhờ tăng cầu, người tiêu dùng mở túi tiền ra chi tiêu.
Thông thường các nước sẽ áp dụng con đường cắt giảm lãi suất một khi nền kinh tế xuất hiện các dấu hiệu như tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát thấp, niềm tin người tiêu dùng thấp, doanh nghiệp không bung vốn làm ăn...
Vào tuần đầu tiên của tháng 8, hàng loạt nước đã cắt giảm lãi suất như Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và Philippines sau khi Mỹ lần đầu tiên sau 11 năm đã bắt đầu cắt giảm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể theo chân trong thời gian tới. Một khi lãi suất đang ở mức thấp như ở châu Âu, cách duy nhất để việc cắt giảm lãi suất có tác dụng là tính đến chuyện lãi suất âm!
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang tính đến chuyện đó. Riêng các ngân hàng ở Đức hiện tính lãi suất 0% cho các khoản tiền gửi dưới vài trăm ngàn euro; gửi nhiều hơn phải trả phí cho ngân hàng.
Hiện tượng lãi suất âm đang gây tranh cãi trong giới tài chính. Tổng giám đốc Ngân hàng ING Ralph Hamers phê phán chính sách hướng đến lãi suất âm của ECB, “lãi suất âm sẽ làm cho người tiêu dùng hoang mang về tình hình tài chính nên họ sẽ siết hầu bao chứ không phải chi tiêu nhiều hơn như kỳ vọng”.
Tờ Financial Times đồng ý với nhận định này khi trích dẫn số liệu cho thấy tỷ lệ tiết kiệm ở khu vực sử dụng đồng euro tăng ở mức cao nhất trong năm năm qua, lên 13%. Người giàu cũng không mặn mà chuyện đầu tư ví dụ như khách hàng nhà giàu của UBS và Credit Suisse, hai ngân hàng tính chuyện lấy phí tiền gửi, hiện đang để 26-29% tài sản của họ ở dạng tiền mặt. Với người dân bình thường, lãi suất âm sẽ buộc họ giữ tiền ở nhà, trong két sắt hay dưới gầm giường chứ không đưa tiền vào lưu thông qua ngân hàng nữa.
Ngược lại, Bloomberg có bài bình luận cho rằng lãi suất âm là chuyện hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bất kỳ tài sản nào, dù là vàng, dầu mỏ hay địa ốc đều phải trả chi phí để duy trì, đặc biệt với nhà đất còn phải trả thêm thuế hay tiền bảo hiểm nữa. Chính vì thế duy trì tài sản ở dạng tiền mặt ở ngân hàng đến lúc cũng cần có phí nếu ngân hàng không thể kinh doanh các món tiền mặt này vì kinh tế đang chững lại.
Dù sao, lãi suất âm không làm cho giá nhà giảm nhờ tiền vay mua nhà không chịu lãi cao như mọi người kỳ vọng. Một khi tiền không đẻ ra tiền, người có tiền sẽ chuyển tài sản thành dạng khác như mua cổ phiếu, vàng và đặc biệt là bất động sản. Vì thế giá nhà như ở Đức đang có xu hướng tăng mặc dù đã nhiều thập kỷ giá bất động sản ổn định.
Trở lại với ngân hàng Đan Mạch cho vay với lãi suất âm, thật ra Jyske Bank vẫn tính các loại phí khác nhau nên cuối cùng khách vẫn trả một khoản tiền cao hơn khi vay. Các ngân hàng khác đã cho vay mua nhà thời hạn đến 30 năm với lãi suất 0% hay chỉ 0,5% từ mấy tháng trước.
Với họ, cho khách hàng có điểm tín nhiệm cao vay dù không lãi vẫn còn hơn cho vay với độ rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Dù sao lãi suất âm cho thấy giới tài chính đang lo ngại về tương lai và các khoản cho vay 30 năm với lãi suất 0% hay 0,5% cho thấy họ nghĩ khó khăn sẽ còn kéo dài.