Kỳ nhân có biệt tài chọn trâu miền biên viễn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bản vùng biên Lù Dì Sán thuộc xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai ở xa tít, âm u và huyền ảo. Người ta bảo buổi sáng đến với Lù Dì Sán rất chậm, như viên sỏi trong bàn tay đứa trẻ ném mãi mới qua được bờ suối, tưởng chỉ lúc ánh nắng mặt trời chiếu mạnh nhất mới có thể rọi thủng những làn sương mờ đậu xuống từng nóc nhà của bản...
Nghề chọn trâu đã tạo ra danh tiếng cho nhiều người ở miền biên viễn, trong đó có Hầu A Tống
Nghề chọn trâu đã tạo ra danh tiếng cho nhiều người ở miền biên viễn, trong đó có Hầu A Tống

Xa thế nhưng khá đông người vẫn biết và lọ mọ vượt núi tìm Lù Dì Sán. Họ đến không phải để du lịch, khám phá mà để thuê Hầu A Tống tìm chọn cho họ những con trâu tốt nhất, đẹp nhất…

Muốn tìm người giỏi, phải đến bản xa

Theo lời ông Giàng Seo Sì, nguyên Bí thư xã Sán Chải, bản Lù Dì Sán nằm cạnh con sông Chảy và đường biên giới, giáp huyện Mã Quan của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Khí hậu ở bản rất lạnh, lạnh hơn nhiều bản khác nên sương mù luôn quẩn quanh ở đây.

Nhà Hầu A Tống chếch bên dãy núi gần cuối bản, từ chỗ nhà Tống đến trung tâm xã độ hơn chục phút đi xe máy. Kỳ tướng ắt kỳ tài, điều đó thật chẳng sai. Ngất ngư uống cạn với Tống hơn chục chén rượu ngô mới thấy kỹ được cái tướng ngũ đoản độc đáo của Tống: cổ gã rụt, chân lè phè, hai tay chới với như đón hụt cái chén từ tay bạn rượu. Cái ẩn tướng của Tống cũng thể hiện ở gương mặt thường nhăn lại khi gặp điều khoái trá, hay lo lắng tập trung vào việc gì đó.

Hỏi tuổi, Tống bảo: “Tao làm nghề chọn trâu, tính đến Tết Tân Sửu này là 31 năm”. Đó là tuổi nghề tính từ thời điểm Tống mới tập tọe bước chân vào nghiệp trọn trâu lúc mới tròn 16 tuổi, vậy đến nay Tống đã được 47 cái xuân xanh.

Tống được Giàng Bá Minh truyền nghề, đó là lão thầy cúng ở cái bản xa tít tận Lai Châu mà bố mẹ và Tống gặp được ở phiên chợ Cán Cấu vào buổi chợ phiên 31 năm trước. Lão thầy đã về với ông bà tổ tiên lâu rồi, nhưng danh tiếng về biệt tài chọn trâu, làm bùa ngải… của lão còn vang đến tận bây giờ.

Tống kể, không phải vì mấy chum rượu ngon, chục gùi thóc mẩy mà bố mẹ Tống biếu ông thầy, quan trọng là sự kiên nhẫn, nhanh nhẹn và có căn nên Tống mới được ông thầy Bá Minh gật đầu đồng ý, chọn làm đệ tử chân truyền duy nhất để tận tình chỉ dạy. Tống không học về bùa phép, quy thức cúng ma diệt quỷ từ ông thầy, mà chỉ chuyên vào các bí pháp chọn trâu.

Người Tống bé nhỏ, nhưng ánh mắt rất tinh. Tống hết sức có uy với lũ trâu, dù đó là loại có tính cách hung tợn nhất. Con nào cứng đầu đến mấy, chỉ chực lồng lộn giật giây buộc, phá chuồng…, Tống chỉ cần lấy tay vỗ vỗ vào thân và lào xào vài tiếng vào tai nó, ắt hẳn chú trâu sẽ ngoan ngoãn phục tùng cúi đầu. Tống tự hào đó là kỳ thuật riêng mình Tống nắm giữ do được học từ ông thầy Bá Minh, ngoài bí pháp xem tướng trâu đơn thuần.

Vào giữa tháng 5 năm ngoái, Tống được một người thuê xuống Mản Thẩn, nhà họ có con trâu hay nổi cơn điên, thi thoảng lại lồng lên đi húc người. Nó dữ đến độ đám thanh niên trong thôn táo tợn và nhanh nhẹn thế mà khi gặp nó, nếu không kịp vắt chân lên cổ chạy là rất có thể bị húc tung người. Tống đến nơi, ngắm nghía, con trâu có cặp mắt long xòng xọc và đỏ au như kẻ nghiện rượu bê tha ở phiên chợ… Tống nhận xét đó là tướng của loài trâu dữ. Tống phải vỗ về và cho nó uống một thứ thuốc do chính tay gã luyện ra, nó mới trở nên hiền dịu và triệt tiêu hẳn cái thói nổi điên khoái húc người đến tận hôm nay. Không chỉ trâu dữ ở Mản Thẩn, mà trước đó, nhiều con trâu hung bạo khác ở Nàn Sín, Lử Thẩn… cũng được Tống trị cho đến nơi đến chốn, cấm có con nào còn thói lao ra đường húc người hay phá chuồng.

Tài năng và danh tiếng, nhưng nghèo

Chọn trâu, cái nghề nghe giản dị, nhưng cũng góp phần tạo ra nét rất riêng biệt trong văn hóa và góp thêm một âm sắc đặc biệt cho bức tranh mây trời suối sông của miền biên viễn thêm sinh động, rực rỡ. Tống như một chấm mầu trong bức tranh tự nhiên đó. Chân ngắn nhưng Tống đi rất nhanh và đưa ra quyết định cũng rất rõ ràng, dứt khoát. Đôi mắt hấp háy tinh ranh trên gương mặt nhỏ choắt của Tống mỗi khi dính chặt vào con trâu nào đó, chắc chắn đó sẽ là con trâu kiếm ra tiền ra bạc cho chủ nếu nó được chăm bẵm tốt. Tống bảo, chọn trâu phải chọn con có cặp sừng cánh ná, độ mở rộng; mắt phải có khí hiền hòa nhưng tinh và hơi lộ… Hình dáng trâu phải tiền cao hậu thấp, mặt gân… mới đáng mua.

Hàng tuần vào thứ Bảy, Tống thường có mặt ở chợ phiên Cán Cấu từ rất sớm, khi bãi đất rộng chỉ thưa thớt vài cọc trâu mới được cắm, vậy mới không chậm chân so với những người làm nghề chọn trâu khác. Cả buổi hôm đó Tống lụi hụi để cố chọn được vài con trâu tốt cho khách.

Trời chưa sáng hẳn, Tống vung vẩy cái đèn pin đỏ choét của Trung Quốc chăm chú kiểm tra từng cái chân, cái móng, vành tai của từng chú trâu một cách kỹ càng và tỉ mẩn. Nếu khách cần trâu làm nông thì việc chọn khá đơn giản, chỉ cần sức khỏe, ít ốm đau. Khó và kỳ công hơn cả vẫn là chọn trâu chọi, dứt khoát phải tuyển lựa được con tốt nhất trong cả trăm con, không may mắn có khi hết cả phiên chợ cũng chẳng thu được kết quả. Tống cho biết, trâu chọi phải hội tụ đủ tối đa các tiêu chí tốt. Ngoại hình trâu phải săn chắc, vạm vỡ, bốn chân vững chãi có nhiều múi cơ, độ mở của sừng phải đủ rộng theo tiêu chí riêng và tương ứng với tổng thể ngoại hình, sừng đó để đáp ứng việc tấn công đối thủ bằng các cú húc, móc, xỉa mạnh mẽ, thần tốc và quan trọng nữa là những tướng lạ mà Tống không kể để giữ bí mật nghề kiếm cơm…

Mỗi người đến thuê Tống chọn trâu, bất kể để làm nông hay thuần dưỡng để mang chọi, Tống chỉ lấy độ một, hai trăm nghìn. Thường vào thời điểm cuối tuần diễn ra chợ phiên, một ngày Tống giúp đến 6 - 7 người.

Làm nghề bao năm nhưng Tống bảo mình nghèo. Cùng ở tỉnh Lào Cai, phía huyện Bát Xát có Hoàng A Chí người Tày cũng chuyên nghề chọn trâu nức tiếng là doanh nhân, chủ trang trại thành đạt, nhà có của ăn của để với vài trăm con trâu, bò… So với Tống, tìm mỏi mắt khắp nhà chẳng thấy đồ đạc gì đáng giá, cái ti vi to đùng cổ lỗ được nhóm thiện nguyện mấy năm trước tặng Tống vẫn xem phim, bộ ấm chén chiếc sứt chiếc mẻ Tống vẫn rót rượu mời khách, rồi la liệt quần áo chắp vá Tống treo chằng chịt quanh nhà.

Tống có 2 đứa con đang học nội trú trên huyện được Nhà nước trợ cấp nhiều. Tống không phải dạng người nghiện ngập rượu, thuốc, vậy mấy chục năm làm nghề, không hiểu Tống giấu tiền đi đâu…

Nghề chọn trâu đã tạo ra danh tiếng cho Tống cũng như nhiều người khác ở miền biên viễn hẻo lánh, giúp trang trải sinh hoạt thường ngày và tích cóp để dành cho con, cho cháu. Xuân về Tết đến cửa nhà Tống rồi, nhiều việc, nhiều tiền, hẳn Tống sẽ mua cho con thêm áo mới, sang hơn là đôi khuyên tai vàng tặng vợ, để cả nhà Tống có đồ mới diện đi chơi hội…

Chuyên đề