Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế và Điện Biên thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN |
Không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về chương VI Lực lượng kiểm ngư, các quy định về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản...
Về lực lượng kiểm ngư, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư Trung ương (có các chi cục tại các vùng gọi là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh đồng thời có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản.
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đánh giá, việc bổ sung Chương Kiểm ngư vào dự án Luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung này để tránh tình trạng phát sinh biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, việc chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành tại 28 tỉnh ven biển thành lực lượng Kiểm ngư là không phù hợp vì việc chuyển đổi này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng thanh tra tại các vùng nội thủy sông hồ, đầm phá. Đại biểu Nguyễn Thị Kiều Trinh đề nghị cần tăng cường nguồn lực phục vụ cho hoạt động thanh tra, đồng thời có sự phối hợp với kiểm ngư vùng.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh, không cần thiết thành lập thêm lực lượng Kiểm ngư ở 28 tỉnh duyên hải. “Lực lượng Kiểm ngư vùng mặc dù mới thành lập nhưng thời gian qua hoạt động rất hiệu quả.
Ngoài ra, đặc thù hoạt động của lực lượng này đòi hỏi nguồn vật chất lớn, không dễ dàng đáp ứng được ngay như các loại phương tiện, tàu bè,…”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn phân tích và đề nghị phải tăng cường năng lực cho lực lượng Kiểm ngư hiện tại thông qua bổ sung chế độ chính sách thỏa đáng cho đối tượng này để lực lượng Kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân; phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, bên cạnh lực lượng kiểm ngư Trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, mặc dù có lực lượng Kiểm ngư Trung ương nhưng sự tham gia của lực lượng này trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến tỉnh nếu không có lực lượng tại địa phương sẽ không thể kịp thời ứng phó.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, việc thành lập hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh là phù hợp. Tuy nhiên, để không tăng biên chế, nên chuyển lực lượng thanh tra của ngành nông nghiệp sang, đồng thời cần bồi dưỡng về ngoại ngữ, chuyên môn… cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, nếu có lực lượng cấp tỉnh, nên giảm biên chế của cấp vùng để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 23), quy định này được kế thừa nội dung đã được quy định tại Điều 10 Luật Thủy sản 2003 và sửa đổi theo hướng: Đổi tên “Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản” thành “Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hưng Yên, Ninh Thuận, Bến Tre và Bà Rịa Vũng Tàu thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN
Góp ý vào nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu quan điểm: Luật Thủy sản năm 2003 tuy đã cho phép thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản, Quỹ chưa đi vào hoạt động. Việc thành lập Quỹ sẽ dẫn đến thêm bộ máy biên chế, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 về tăng cường công tác quản lý đối với Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó quy định giải thể các Quỹ hoạt động không hiệu quả.
Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cần đánh giá hiệu quả của Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản theo Luật năm 2003, xem xét Quỹ này có thuộc đối tượng giải thể hay không? Đặc biệt, Khoản 4 Điều 23 dự án Luật quy định nguồn tài chính cho Quỹ chưa cụ thể, không rõ thẩm quyền, không có nguồn thu cố định và nhiệm vụ chi rõ ràng nên khó khả thi trong thực tiễn.
Đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng
Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo
cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững. Dự án Luật gồm 12 Chương, 97 điều đã quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bố cục cần phải bảo đảm cân đối hơn giữa các quy định về bảo vệ với phát triển rừng; sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học hơn.
Về tên gọi của Luật, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, việc đổi tên dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) thành dự án Luật Lâm nghiệp là không cần thiết.
Quang cảnh buổi thảo luận ở tổ của các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Ninh Thuận và thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN
Theo đại biểu, tên gọi dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) cho thấy được mục tiêu trọng tâm của luật, ngôn ngữ dễ hiểu, người dân dễ tiếp cận. Tên của Luật nhấn mạnh được tính cấp bách là bảo vệ và phát triển rừng trước những diễn biến phức tạp như nạn lâm tặc hoành hành, khai thác rừng trái phép, tình trạng suy giảm rừng, lấn chiếm đất.
Ngoài ra, việc bổ sung bốn nội dung của chương mới đều tập trung vào việc đầu tư khai thác, chế biến quản lý rừng, thể chế hóa hình thức sở hữu, tạo động lực khuyến khích đầu tư thu lợi và phát triển rừng. Bốn nội dung bổ sung này vẫn phù hợp với tên của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, nếu đổi tên thành Luật Lâm nghiệp sẽ không có tác động mạnh về nhiệm vụ trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Đại biểu Chau Chắc (An Giang) nhấn mạnh, nếu giữ tên gọi là Luật Bảo vệ và phát triển rừng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục điều chỉnh phạm vi luật, nội dung, kết cấu cho phù hợp với tên gọi.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến khái niệm “chủ rừng”, quy định về kinh doanh rừng. Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo không quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng” là chủ rừng.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về quy định “kinh doanh” rừng và cho rằng ở đây, khái niệm này hàm ý “làm dịch vụ và khai thác, chứ đất rừng không thể đem bán được”. Đại biểu Dương Ngọc Hải đề nghị phải quy định rõ nội dung này nếu không sẽ khó áp dụng trong thực tiễn.