Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy

Đây là chủ đề một hội thảo quan trọng được tổ chức trong tuần này dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ chủ trì hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy". - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ chủ trì hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy". - Ảnh: VGP

Đồng chủ trì hội thảo này còn có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo cũng sẽ có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, với các tham luận của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương…

Thời gian qua, tốc độ và chất lượng tăng trưởng đã nổi lên như một vấn đề được quan tâm hàng đầu tại nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong bối cảnh GDP quý III tăng trưởng bứt phá.

Trong năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức sát sao và quyết liệt để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7%, đồng thời kiên trì triển khai các giải pháp vì các mục tiêu dài hạn như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả, cho đến thời điểm này, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đã nằm trong tầm tay. 2017 cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm mà toàn bộ 13 chỉ tiêu do Trung ương, Quốc hội giao được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Cùng với đó, theo các Tổ chức quốc tế uy tín và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố 31/10/2017, xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia , tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, động lực tăng trưởng của Việt Nam đã không còn đến từ việc tăng khai thác dầu thô, hay nâng mức tăng trưởng tín dụng như những năm trước.

Thay vào đó, động lực của tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ, nhất là du dịch; nông nghiệp… Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện khi chỉ số ICOR của năm 2016 là 5,3 thì năm 2017 là 4,7-5 điểm. Năng suất tổng hợp TFP tăng từ 5-6% so với năm ngoái đạt mức 30-31%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chất lượng tăng trưởng kinh tế thời gian qua là tích cực, thể hiện ở 10 chỉ tiêu mà UNDP đánh giá cao Việt Nam, tập trung ở 4 nhóm: Tăng trưởng GDP ở mức trung bình cao và tương đối ổn định 6,07% trong nhiều năm; tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP được cải thiện; môi trường kinh doanh và cạnh tranh tiến bộ được đánh giá cao; phát triển đi liền với bảo đảm công bằng của xã hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định những thành quả đạt được trong năm 2017 là “một thành công lớn của đất nước ta”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ rằng nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, mà trước hết là chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Năm 2017, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng do nhiều điểm nghẽn khác nhau. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “mô hình kinh tế chưa thể chuyển sang chiều sâu nhanh được”.

Theo nhiều thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các điểm nghẽn này bao gồm các vấn đề như cấp phép kinh doanh, chính sách thuế, rủi ro vĩ mô, các quy định về thực thi hợp đồng, chính sách đất đai, những yếu kém về hạ tầng…

Cùng với đó là những vấn đề như nguồn lực con người, những yếu kém của hệ thống ngân hàng và hiệu quả của bộ máy hành chính…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tầm nhìn thập niên tới, Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo. Và định hướng lớn đầu tiên trong 3 định hướng lớn của Chính phủ trong thời gian tới là tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.

“Khát vọng vươn lên làm giầu chính là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế”, ông nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam mới đây.

Cùng với đó là phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; và  thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội thảo sắp tới là diễn đàn để các cơ quan hoạch định chính sách tiếp nhận các ý kiến từ nhiều phía khác nhau để tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững hơn.

Chuyên đề