Kinh tế toàn cầu: Những vùng sáng khác biệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 2,8% trong năm 2023 và 3% năm 2024, đánh dấu tăng trưởng suy giảm so với mức 3,4% năm 2022. Trong màn sương mù ngày càng dày đặc bao phủ triển vọng kinh tế toàn cầu, vẫn có những quốc gia được xem là điểm sáng tích cực nhờ những thế mạnh riêng, đồng thời phần nào được hưởng lợi từ những biến động mới.
Kinh tế toàn cầu: Những vùng sáng khác biệt

Ấn Độ

Tại sự kiện “Gặp gỡ, Đầu tư” dành cho đối tượng nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng, Ấn Độ được các chuyên gia kinh tế, chiến lược gia toàn cầu đánh giá là “điểm sáng”. Năm 2021, Ấn Độ thu hút 84 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), con số kỷ lục trong bối cảnh hậu đại dịch và xung đột địa chính trị tác động tiêu cực tới thị trường toàn cầu.

“Cả thế giới đặt kỳ vọng to lớn vào Ấn Độ bởi nền kinh tế của chúng ta có nền tảng mạnh mẽ”, Thủ tướng Narendra Modi phát biểu.

Chia sẻ thêm về sức mạnh của Ấn Độ giữa bão khủng hoảng, người đứng đầu Chính phủ quốc gia này cho biết, Ấn Độ đã tạo một bầu không khí thân thiện, “trải thảm đỏ” cho hoạt động đầu tư. Thay vì đưa ra các quy định mới có thể khiến nhà đầu tư bối rối, Ấn Độ lựa chọn việc chuẩn bị cơ sở sẵn sàng để chào đón tất cả các doanh nghiệp tới hoạt động, cho phép các tài năng trẻ được phát triển và nâng cao năng lực.

Nền tảng để xây dựng sức mạnh kinh tế Ấn Độ được gói gọn trong chiến lược “Cải tổ mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng vững mạnh và những tài năng tốt nhất”.

Thực tế, những nhận định này được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo báo cáo mới nhất công bố tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế Ấn Độ duy trì sức mạnh bất chấp môi trường toàn cầu nhiều diễn biến tiêu cực.

Ấn Độ đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 7,7% và được dự báo sẽ duy trì trong năm 2023. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ước tính quốc gia này sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023

Dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023

Đáng chú ý, theo một báo cáo của Liên hợp quốc ngày 14/4, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,425 tỷ người. Dân số gia tăng giúp Ấn Độ duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, một phần bởi thị trường nội địa rộng lớn, sức mua tốt, một phần nhờ lực lượng lao động khổng lồ.

Ấn Độ cũng được hưởng lợi nhờ làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hoá hoạt động sản xuất khi các tập đoàn đa quốc gia tìm tới đây xây dựng cơ sở sản xuất mới nhằm tận dụng lợi thế về thị trường, chính sách ưu đãi đầu tư, chi phí lao động…

Bên cạnh đó, Ấn Độ đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng từ giao thông đến mở rộng mạng lưới cung cấp điện, nước trên toàn quốc. Hệ thống thanh toán di động của Ấn Độ đang thúc đẩy cuộc cách mạng thanh toán số. Một số tổ chức kinh tế dự báo, trong 10 năm tới, GDP của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8,5 nghìn tỷ USD, sau khi tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua.

“Nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục thể hiện sức mạnh giữa các cú sốc của thị trường toàn cầu. Không chỉ chịu được áp lực từ bên ngoài, xuất khẩu của Ấn Độ vẫn tăng trưởng và tình trạng thâm hụt thương mại thu hẹp”, ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ cho biết.

Ả Rập Xê Út

Ngày 13/4/2023, Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã công bố 4 khu kinh tế đặc biệt tại thủ đô của nền kinh tế lớn nhất thế giới Ả Rập. Doanh nghiệp thiết lập hoạt động tại các khu kinh tế đặc biệt này sẽ nhận được nhiều lợi ích, bao gồm chính sách thuế cạnh tranh, miễn trừ một số nghĩa vụ hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu và sản phẩm đầu ra, chính sách linh hoạt trong thu hút nhân tài từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài được phép sở hữu 100% công ty tại 4 khu kinh tế đặc biệt này.

“Ả Rập Xê Út mở cửa chào đón nhà đầu tư và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ chứng kiến cơ hội lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử mà chúng tôi đã chuẩn bị. Các khu kinh tế mới sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm và đóng góp hàng tỷ riyals (tiền Ả Rập Xê Út) vào GDP quốc gia”, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết.

Ả Rập Xê Út chủ trương đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ

Ả Rập Xê Út chủ trương đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ

Nền kinh tế Ả Rập Xê Út tăng trưởng 8,7% năm 2022, với động lực chính từ đà tăng mạnh của giá dầu và cả sự đóng góp của các lĩnh vực công nghiệp khác. Đáng chú ý, các lĩnh vực không liên quan tới dầu mỏ tăng trưởng 5,4% trong năm ngoái, theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia này. Đây là kết quả từ việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh giảm bớt lệ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ, đồng thời mở rộng đầu tư và kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu mới nhất được công bố, tháng 2/2023 là tháng có chỉ số hoạt động sản xuất kinh doanh cao nhất trong lịch sử 8 năm qua tại Ả Rập Xê Út, thể hiện nền kinh tế duy trì sức mạnh trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động tiêu cực. Dòng vốn đầu tư gia tăng mạnh mẽ vào lĩnh vực không liên quan tới dầu mỏ với lượng đơn đặt hàng mới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

IMF vừa qua đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Ả Rập Xê Út năm 2023 lên mức 3,1% so với con số 2,6% đưa ra vào đầu năm. Theo tổ chức này, Ả Rập Xê Út sẽ duy trì vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20, bất chấp biến động liên quan tới lạm phát leo thang và môi trường lãi suất cao hơn.

Tháng 12/2022, Ả Rập Xê Út công bố ngân sách thặng dư hơn 27,13 tỷ USD, cao hơn dự đoán được đưa ra trước đó. Nguyên nhân xuất phát từ thành công trong việc cải tổ nền kinh tế theo mô hình hoạt động mới, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Với ngân sách dồi dào, Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục gia tăng quỹ dự trữ quốc gia, hỗ trợ quỹ đầu tư quốc gia và củng cố vị thế tài chính trước các biến động trái chiều của nền kinh tế toàn cầu. Diễn biến này cũng phù hợp với kế hoạch Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman với mục tiêu đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, xây dựng loạt thành phố thông minh với chi phí đầu tư khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD, đa dạng hoá và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo lớn của quốc gia…

Dự báo tăng trưởng GDP một số nền kinh tế trên thế giới (Nguồn số liệu: Báo cáo của IMF, tháng 4/2023)

Dự báo tăng trưởng GDP một số nền kinh tế trên thế giới

(Nguồn số liệu: Báo cáo của IMF, tháng 4/2023)

Ngoài 2 quốc gia kể trên, Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá ở vị thế tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu biến động trái chiều. Ngày 18/4/2023, Trung Quốc công bố tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023, mức tăng theo quý mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Quốc gia này được dự báo sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu bổ sung để thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tiêu dùng, hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, IMF cũng dự báo Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, nhấn mạnh sức mạnh ngày càng tăng của châu Á trong nền kinh tế thế giới.

Cùng với diễn biến tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á được nhận định sẽ hưởng lợi. IMF dự báo mức tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 4,6% trong năm nay, cao hơn khoảng 0,35% so với dự báo được đưa ra vào tháng 10/2022 và tăng mạnh so với mức 3,8% của năm ngoái. IMF ước tính toàn bộ khu vực sẽ đóng góp hơn 70% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư