Ảnh minh họa: Internet |
Đây là những nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo gửi Chính phủ phục vụ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra ngày 5/5/2023.
Nhiều chỉ tiêu có xu hướng khả quan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực, nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan.
CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1,51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1,39 tỷ USD).
Chỉ số IIP ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ; trong đó, Chỉ số IIP ngành chế biến, chế tạo đã có mức tăng nhẹ 0,2%, trong khi tháng 3 giảm 1,6%. Đăng ký doanh nghiệp tháng 4 chuyển biến tích cực hơn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,3% về số doanh nghiệp…
Bộ KH&ĐT nhận định, kết quả đạt được trong tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng cần tiếp tục lưu ý.
Tính chung 4 tháng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 39% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ là 2,35 tỷ USD). Chỉ số IIP bước đầu có tín hiệu tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, trong đó, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Còn theo Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tương lai kinh tế Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: Internet |
Sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, sản xuất kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Nhiều số liệu cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn. Tính chung 4 tháng, Chỉ số IIP vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%), trong đó, Chỉ số IIP công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%). Sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực (như dệt may, điện tử, đồ gỗ, xe có động cơ) và của một số địa bàn công nghiệp trọng điểm (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) vẫn giảm hoặc tăng thấp. Đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, vẫn là vấn đề cần lưu ý.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%. Xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm như: Mỹ (giảm 22,1%), EU (giảm 14,1%), Hàn Quốc (giảm 6,9%), ASEAN (giảm 1,3%), Trung Quốc (giảm 7,9%) trong khi nền kinh tế nước này đang phục hồi mạnh là vấn đề đáng quan tâm... Nhập khẩu tư liệu sản xuất 4 tháng giảm 15,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/4 ở mức khiêm tốn, đạt 2,66%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo Bộ KH&ĐT, tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn; đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu,... đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, như: 4 nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí tại Quảng Ninh với tổng công suất thiết kế hơn 8 triệu sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện tại Quảng Ninh với công suất 610 nghìn chiếc/năm, sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023.
Bộ KH&ĐT đề nghị kịp thời ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển, nhất là các địa phương động lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh;...