Kiên Giang: Nhiều người dân Phú Quốc mất tiền tỷ vì bị lừa qua mạng xã hội

Theo công an huyện Phú Quốc, thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Quốc xảy ra 29 vụ các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, internet… để lừa đảo chiếm đoạt số tiền của nhiều người dân lên đến 1,4 tỷ đồng.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 8/7, Trưởng Công an huyện Phú Quốc, đại tá Lê Văn Mót đã ký công văn gửi cho các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Phú Quốc, báo đài để biết và thông tin đến người dân phòng ngừa tội phạm có yếu tố công nghệ cao.

Cụ thể, theo công an huyện Phú Quốc, thời gian vừa qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 29 vụ các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, trang tin điện tử, internet, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân, gây thiệt hại trên 1,4 tỷ đồng.

Hình thức các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng cách nhắn tin trúng thưởng đến số điện thoại; gửi đường link trúng thưởng đến các tài khoản mạng xã hội ( Zalo, facebook). Khi nạn nhân clik vào các đường link sẽ được hướng dẫn cách nhận thưởng bằng việc đăng nhập tài khoản. Sau đó, các nạn nhân bị chiếm tài khoản, yêu cầu chuyển phí để nhận thưởng bằng cách nạp thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Theo công an huyện Phú Quốc, thời gian vừa qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 29 vụ các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, viễn thông... lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người dân trên 1,4 tỷ đồng

Hoặc một số người dân khác bị các đối tượng xấu lợi dụng làm quen qua mạng xã hội sau đó vờ chuyển quà từ nước ngoài về, bố trí người giả làm nhân viên sân bay, yêu cầu các nạn nhân nộp phí để nhận quà rồi chiếm đoạt tài sản.

Một hình thức lừa đảo tinh vi hơn là các đối tượng tìm hiểu và sử dụng thông tin bán hàng của một số trang tin điện tử, sử dụng tài khoản messenger, faecbook, zalo để liên hệ với người bị hại, giới thiệu các sản phẩm (nhà, xe, đất… thường giá trị cao), sau khi thỏa thuận về giá cả mua bán, các đối tượng đề nghị cung cấp số tài khoản, số điện thoại, thông tin cá nhân để chuyển tiền đặt cọc.

Sau đó, các đối tượng gửi đường link của trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế và yêu cầu bị hại nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào trang web trên để nhận tiền đặt cọc. Khi các nạn nhân nhập các thông tin này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của các nạn nhân.

Ngoài ra, các đối tượng còn chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản mạng xã hội (facebook và zalo), lợi dụng thông tin bạn bè, người thân để mượn tiền… Nghiêm trọng hơn, các đối tượng xấu còn chiếm quyền quản trị (hack) vào hệ thống mạng của các khách sạn, resort, chờ khách liên hệ với các đơn vị này đặt phong bằng email. Khi đó, các đối tượng cắt mối liên hệ này và chúng tạo ra một email giả, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt phòng…

Để ngăn chặn và phòng chống tội phạm có yếu tố công nghệ cao, công an huyện Phú Quốc thông báo rộng rãi đến các ban ngành đoàn thể, báo đài để tuyên truyền sâu rộng đến người dân biết các thủ đoạn của kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngoài ra, công an huyện Phú Quốc còn lưu ý người dân không nên đưa nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội, như ngày tháng năm sinh, số điện thoại… Đặc biệt khi nhận được thông báo nhận thưởng của các tổ chức, cá nhân cần kiểm tra kỹ thông tin  chính thức tại website của đơn vị thông báo. Nếu nhận thấy có những dấu hiệu bất thường báo ngay cho cơ quan công an gần nhất; không nên thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng.

Nếu phát hiện trường hợp người thân thông qua mạng xã hội nhờ giúp đỡ, mượn tiền… thì trực tiếp gặp mặt hoặc gọi điện thoại để xác nhận lại thông tin.

Chuyên đề