Kiểm soát tốt xu hướng tăng giá nguyên nhiên vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trong 9 tháng đầu năm nay tăng ở mức cao nhất trong 9 năm qua do đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu. Từ nay đến cuối năm, nhiều chỉ báo cho rằng, các loại hàng hóa này vẫn có xu hướng tăng giá do sự hồi phục kinh tế toàn cầu thúc đẩy nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên giá cả hàng hóa vẫn có thể được kiềm chế nhờ chuỗi cung ứng được nối lại, chi phí vận chuyển giảm do dịch bệnh được kiểm soát.
Trong quý III/2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,36% so với quý trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý III/2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,36% so với quý trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,36% so với quý trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong nhóm dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ 9 tháng tăng 21,22% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 10,99%; sản phẩm linh kiện điện tử tăng 0,97%...

Trong nhóm hàng dùng cho xây dựng, sản phẩm nguyên liệu từ kim loại gang, sắt, thép 9 tháng tăng 12,22% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 10,58%; sản phẩm đá, cát, sỏi, đất sét tăng 5,89%; sản phẩm dây và thiết bị dây dẫn tăng 5,82%; sản phẩm từ gỗ tăng 3,73%...

Theo bà Tạ Thị Thu Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới tăng rất cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu, do đó, giá cả trong nước cũng tăng theo, gây áp lực lớn cho hoạt động sản xuất.

Trong 9 tháng đầu năm, giá dầu Brent ở mức bình quân 67,73 USD/thùng, tăng 59,25% so cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 16 đợt, bình quân 9 tháng tăng 24,8%. Trong những ngày gần đây, giá dầu Brent đang ở mức 79,28 USD/thùng, dự báo của các tổ chức quốc tế, bình quân 3 tháng cuối năm ở mức 77 USD/thùng, tương ứng tăng khoảng 70% so với năm 2020.

“Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu sản xuất bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2013. Chỉ số giá nhóm hàng này tăng cao chủ yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của thế giới, giá vận chuyển tăng cao do giãn cách xã hội ở nhiều địa phương làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Từ nay đến cuối năm, sẽ có xu hướng tăng giá nhóm hàng này khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng toàn cầu được nối lại, giao thông vận chuyển giữa các địa phương thuận lợi sẽ làm giảm áp lực tăng giá nguyên nhiên vật liệu”, bà Việt cho biết.

Với dự báo về xu hướng giá cả hàng hóa như vậy, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, không để xảy ra hiện tượng tăng giá hàng hóa do thông tin sai lệch.

Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao do mất cân đối cung cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và năm 2021 cũng là chu kỳ tăng giá sau một giai đoạn duy trì ở mức thấp. Trong thời gian tới, giá nhóm hàng này có thể vẫn tăng nhưng mức tăng sẽ không lớn do kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng chưa mạnh. Ông Phương cho rằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng trọng yếu. Đặc biệt, cần đánh giá, phân biệt kỹ các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định, giá cả nguyên nhiên vật liệu sản xuất trong nước tăng theo giá thế giới, do đó, xu hướng tăng giá sẽ còn diễn ra trong những tháng cuối năm khi các nền kinh tế hồi phục, đẩy nhu cầu với các loại hàng hóa này tăng. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đang dần được nối lại khi các giải pháp kiểm soát dịch phát huy hiệu quả. Do đó, cần chú trọng công tác kiểm soát giá các mặt hàng đầu vào, cải thiện hoạt động giao thông vận tải để giảm giá dịch vụ, góp phần giảm giá hàng hóa. Với sự nỗ lực và phối hợp của các bộ ngành, có thể kiềm chế được đà tăng giá của nguyên nhiên vật liệu. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, bắt nhịp xu hướng hồi phục của thế giới.

Chuyên đề