Dư địa bình ổn tỷ giá lớn, tâm lý thị trường vững vàng
Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ năm 2019 có lẽ trái ngược hoàn toàn với bức tranh năm ngoái. Nếu năm 2018 tỷ giá bị chi phối lớn từ diễn biến chiến tranh thương mại, thì năm 2019 lại ổn định, ngay cả khi Mỹ - Trung liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau. Điều này khiến dự báo từ đầu năm của các chuyên gia rằng tiền đồng sẽ mất giá khoảng 3% trong năm nay trở nên lệch lạc.
Trong bức tranh tỷ giá này, hai yếu tố thuộc về cung và cầu nội tệ - ngoại tệ đã kéo tỷ giá về mức thấp, ổn định trong những thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Nhìn từ phía cung, phải nói rằng nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào hơn bao giờ hết. Cán cân thương mại liên tục thặng dư, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đạt những kỷ lục mới.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 thặng dư 3,4 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng mức thặng dư tám tháng đầu năm lên 5,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn mức 4,7 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế tám tháng đầu năm 2019 đạt 12 tỉ đô la, tăng 6,3% so với năm ngoái, trong khi góp vốn, mua cổ phần đạt 9,5 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn cung dồi dào này khiến trạng thái ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thường xuyên đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ.
Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lượng lớn ngoại tệ trong thời gian qua, thì tỷ giá vẫn ổn định, đi ngang trong suốt thời gian qua. Điều này có được là do tâm lý thị trường đang khá vững vàng. Sự vững vàng này thể hiện qua các “con sóng” chiến tranh thương mại. Mỹ - Trung đã liên tục trả đũa nhau, khiến tỷ giá nhân dân tệ đã vượt mức 7,1 đổi một đô la Mỹ, song tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng hầu như chỉ tăng nhẹ và sau đó giảm về quanh vùng 23.200 - giá mua đô la của NHNN. Cặp tỷ giá song hành kể trên đã lệch nhịp với nhau trong thời gian vừa qua. Điều đáng lưu ý là ngay cả khi nhân dân tệ liên tục mất giá, trong khi tiền đồng ổn định, thì dòng ngoại tệ chảy vào Việt Nam vẫn lớn, không có dấu hiệu đảo chiều.
Có thể cho rằng diễn biến chiến tranh thương mại sẽ không còn là áp lực đè nặng lên tỷ giá nữa. Ngoài ra, cần kể tới việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục hạ lãi suất trong năm nay, cũng khiến thị trường dự báo về một đồng đô la Mỹ yếu hơn, giảm bớt áp lực cho tỷ giá.
Tựu trung tỷ giá đang có những điều kiện tốt để ổn định và dự tính trong cả năm nay sẽ ổn định. Tỷ giá liên ngân hàng nhiều khả năng biến động trong ngưỡng 23.190-23.300 đồng. Đây cũng là tỷ giá cốt lõi để thiết lập các tỷ giá mua, bán ngoại tệ giữa ngân hàng và khu vực dân cư, doanh nghiệp.
Tỷ giá thấp có thực sự tốt?
Nếu đặt trong bối cảnh năm ngoái, thì tỷ giá ổn định quả thực là điều mong mỏi của cơ quan điều hành và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Năm ngoái, nếu tỷ giá ổn định thì NHNN đã không phí mất hàng tỉ đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối để giảm áp lực cho tỷ giá. Nhưng thời điểm hiện tại, tỷ giá đang thấp và ổn định quanh giá mua đô la Mỹ của NHNN. Điều này có thể dẫn tới lo ngại về việc Việt Nam có thể bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ.
Ba tiêu chí của Mỹ để đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ, đó là thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ một năm trên 20 tỉ đô la; cán cân vãng lai thặng dư trên 2% GDP và lượng ngoại hối mua trong khoảng từ 6-12 tháng trên 2% GDP. Hiện tại, Việt Nam đang thặng dư thương mại hàng hóa so với Mỹ lũy kế tám tháng đầu năm khoảng 30 tỉ đô la Mỹ, như vậy là đã “rơi” vào tiêu chí thứ nhất và khả năng trong cả năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức thặng dư này khi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Một tiêu chí quan trọng để NHNN đo đếm sao cho tránh khỏi việc rơi vào danh sách “đen” này là duy trì lượng ngoại tệ mua trong khoảng 6-12 tháng liên tiếp không quá 2% GDP. Thế nhưng, năm nay tỷ giá lại ổn định quanh giá mua của NHNN - nó khiến NHNN liên tục mua được ngoại tệ, củng cố dự trữ ngoại hối. Vì vậy, việc NHNN mua nhiều đô la Mỹ để can thiệp vào đà giảm tỷ giá rất có thể đưa Việt Nam vào danh sách này.
Ngoài ra, một tỷ giá thấp trong bối cảnh nhân dân tệ liên tục suy yếu cũng là mối lo cho cán cân thương mại hàng hóa Việt - Trung, khi Trung Quốc vẫn dẫn đầu danh sách quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy những giai đoạn nhân dân tệ mất giá mạnh mẽ (có thời điểm đạt gần 7,2 nhân dân tệ/ đô la Mỹ), trong khi tiền đồng vẫn ổn định quanh mức 23.200 đồng/đô la Mỹ đổi một đô la Mỹ như thời điểm tháng 8 vừa qua, thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn xuất siêu kỷ lục.
Điều này cho thấy, cân đối sức mua tiền đồng và nhân dân tệ đang chưa tác động lớn tới cán cân thương mại, mặc dù Trung Quốc là nước xuất khẩu nhiều nhất trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. Đây rõ ràng là tiền đề để kỳ vọng vào việc tỷ giá thấp không quá ảnh hưởng tới tình trạng của xuất nhập khẩu hàng hóa. Sự tác động của chiến tranh thương mại tới dòng chảy thương mại có lẽ đang lấn áp tác động từ yếu tố sức mua của tiền tệ.
Cần lưu ý rằng, mục đích từ phía Mỹ khi đưa ra các luật lệ này là muốn giảm thâm hụt thương mại song phương với các nước đối tác, thông qua “con bài” tỷ giá. Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ là người muốn điều này nhất, khi liên tục kêu gọi Mỹ giảm lãi suất, làm suy yếu đô la Mỹ, cải thiện cán cân thương mại với các nước khác. Vì vậy, quốc gia nào muốn thoát khỏi danh sách này, tốt nhất không nên làm đồng nội tệ yếu hơn so với đô la Mỹ, hoặc làm tăng sức mua của đồng nội tệ đó.
Nếu yếu tố tương quan giữa sức mua của tiền đồng so với đô la Mỹ hay nhân dân tệ không tác động quá nhiều tới dòng ngoại tệ đổ vào Việt Nam như đánh giá kể trên, thì Việt Nam hoàn toàn có thể giảm nhẹ tỷ giá - nghĩa là tăng sức mua của tiền đồng so với đô la Mỹ và nhân dân tệ. Một mặt để hạn chế thặng dư thương mại với Mỹ, một mặt thể hiện rằng Việt Nam đang điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho thương mại của Mỹ.
Để làm được điều này, NHNN có thể giảm nhẹ giá mua ngoại tệ xuống khoảng 23.190 đồng/đô la Mỹ. Nó sẽ khiến tỷ giá liên ngân hàng giảm theo khi trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục dồi dào như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, việc giảm tỷ giá, trên lý thuyết, vẫn sẽ ảnh hưởng toàn diện tới lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, không chỉ mỗi cán cân thương mại với Mỹ. Ngoài ra, nó sẽ tác động tới các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Song cân nhắc giảm nhẹ giá mua đô la Mỹ là biện pháp có tác động nhanh chóng nhất nếu Việt Nam muốn giảm tỷ giá để tránh khỏi việc trở thành một quốc gia thao túng tiền tệ như những quy định từ phía Mỹ đưa ra.