Khu Đông TP HCM có tốc độ đô thị hóa rất cao. |
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề xây dựng khu đô thị này hồi đầu năm 2018, nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương.
Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là Khu Công nghệ cao, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường Đại học chất lượng cao mà hạt nhân là Đại học Quốc gia TP HCM.
Khu đô thị sẽ có hơn một triệu dân, rộng khoảng 22.000 ha. Đây cũng là Thành phố Đông trong 4 thành phố mới mà đề án Chính quyền đô thị của thành phố từng đề cập.
Hồi tháng 3, làm việc với chính quyền thành phố Tsukuba (tỉnh Ibaraki) trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rất ấn tượng về mô hình thành phố khoa học sáng tạo tại đây và mong muốn học tập kinh nghiệm để xây dựng Khu đô thị sáng tạo cho TP HCM.
Thành phố khoa học Tsukuba là một dự án quốc gia của Nhật Bản được thực hiện trên khu vực trải rộng 6 km từ Đông sang Tây và 18 km từ Bắc xuống Nam ở phía Nam tỉnh Ibaraki. Khu vực này có 250.000 dân, được phát triển thành một thành phố khoa học gồm nhà ở lân cận, các cơ sở giáo dục và thương mại, các văn phòng, các viện thử nghiệm, nghiên cứu quốc gia.
Phải có người chịu trách nhiệm xây dựng khu đô thị
ĐH Quốc gia TP HCM ngày 12/4 phối hợp Viện KAS - CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức hội thảo Khu đô thị sáng tạo tại TP HCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin; các chuyên gia tư vấn chiến lược quốc tế, các nhóm tư vấn thiết kế đô thị đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới... cùng thảo luận về những phác thảo đầu tiên của mô hình Khu đô thị sáng tạo của TP HCM.
Đa số ủng hộ, song không ít chuyên gia bày tỏ e ngại về tham vọng này của thành phố. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế luật - Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, để đạt đến mục tiêu không phải dễ dàng bởi "lộ trình còn mù mờ và rất khó lạc quan". Phải bắt đầu từ quy hoạch phù hợp thực tế và yêu cầu phát triển trong tương lai để giải tỏa đền bù, tìm đối tác chiến lược.
TS Nguyễn Cao Trí (Đại học Văn Lang) chỉ ra trở ngại khi khó có thể thay đổi cơ chế ngay lập tức, nên phải có cách làm sáng tạo dựa trên các chính sách hiện hành. Khu Đông đang giao thoa giữa cái cũ và cái mới, nếu giải tỏa hết để quy hoạch thành khu đô thị sạch đẹp là điều rất khó.
"Chỉ tư nhân mới có thể xây dựng được bởi họ có chính sách linh hoạt, khi thấy hiệu quả ngay lập tức sẽ tiến hành đầu tư. Do vậy, khi quy hoạch khu đô thị sáng tạo cần thống kê quỹ đất trống để làm, giao cho doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều phương thức", ông đề nghị.
Là nhà quy hoạch chính của CPG Consultants (Singapore), ông Nguyễn Đỗ Dũng đánh giá chiến lược này của thành phố phải tránh tình trạng "5 cha 4 mẹ", "cha chung không ai khóc" thì mới có thể thành công.
"Tất cả dự án phải được giao cho một người hoặc một tổ chức. Sinh mạng chính trị, kinh tế của họ phải gắn với việc thành công hay thất bại của dự án", ông Dũng đề nghị.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, mục tiêu của khu đô thị sáng tạo hướng tới phát triển kinh tế thành phố đúng hướng, đồng thời trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước...
Tại đô thị tương lai này, các ý tưởng khởi nghiệp sẽ dễ dàng được đưa ra thị trường, biến các ý tưởng bảo vệ môi trường thành ý tưởng chung toàn thành phố, phát triển mạnh giao thông thông minh.
Chính quyền khu đô thị sáng tạo sẽ là chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử đảm bảo công khai, minh bạch và không còn xảy ra việc tiêu cực, nhũng nhiễu...
Ông Tuyến khẳng định, TP HCM cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo, sẽ lắng nghe, chuyển ý tưởng của các chuyên gia thành hành động. Trong tháng 5, thành phố sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để nghe ý kiến các chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đô thị sáng tạo.