Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Nhà đầu tư kiên trì cùng chính quyền gỡ vướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 108 dự án bất động sản tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sau một thời gian dài mang gam màu xám thì nay đang dần tươi sáng hơn. Để có được những bước đi hiệu quả trong quá trình gỡ vướng cho các dự án, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, có sự song hành của các nhà đầu tư uy tín.
Khu đô thị cao cấp bên sông Cổ Cò do An Dương Group đầu tư
Khu đô thị cao cấp bên sông Cổ Cò do An Dương Group đầu tư

Cái tên Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có lẽ chưa bao giờ hết “hot” trên “sân chơi” bất động sản của Quảng Nam, khu vực miền Trung và cả nước. Khu đô thị được thành lập kéo theo giá đất tăng, số lượng dự án đầu tư phát triển theo cấp số nhân, nhưng nhiều vấn đề tiêu cực cũng nảy sinh từ đây. Có thể kể đến tình trạng triển khai thi công trước khi dự án được phê duyệt đã làm xáo trộn và mất hiện trạng, không khớp nối được hạ tầng, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã huy động vốn chưa đúng quy định của pháp luật, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Những rắc rối này, cả tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn đã phải tập trung tháo gỡ từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021. Đến nay, theo lãnh đạo thị xã Điện Bàn, về cơ bản đã có lối ra và kế hoạch triển khai. Kiên trì đồng hành cùng chính quyền địa phương gỡ vướng thủ tục pháp lý cho các dự án ở khu vực này phải kể đến những chủ đầu tư: An Dương Group; Công ty CP MBLAND Đà Nẵng; Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam; Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam; Đất Xanh Miền Trung…

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, từ nay đến năm 2025, sẽ tập trung thu hút nhà đầu tư lớn vào những lĩnh vực tiềm năng, thực hiện thủ tục điều chỉnh và quản lý tốt các dự án trước đây và sau này. “Rất mừng là đến thời điểm này, phương án gỡ rối cho các dự án tại Điện Bàn đã được UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra các định hướng rõ ràng”, ông Trần Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo phân dự án theo từng nhóm để đánh giá. Đối với nhóm dự án đang triển khai nhưng gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài với diện tích nhỏ so với diện tích dự án, UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để đề xuất UBND Tỉnh điều chỉnh hợp lý quy hoạch chi tiết, giảm quy mô dự án. Đối với nhóm dự án đang triển khai bình thường, tuy bị vướng mắc về mặt bằng nhưng khả năng giải phóng cao, cộng đồng dân cư ủng hộ và nhà đầu tư bảo đảm năng lực thực hiện thì đồng ý cho điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.

Nhóm dự án mới hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hoặc dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng với diện tích lớn so với diện tích dự án và khả năng giải phóng mặt bằng không khả thi, cần thống kê, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, chuyển sang mục đích công cộng, trồng cây xanh hoặc các tiện ích xã hội khác.

Chuyên đề