Khu đô thị đại học Nam Cao (Hà Nam): Lộ diện 4 nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai dự án xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao đang trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất lớn của tỉnh Hà Nam, cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia. Trước đó, thông qua đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký, đã lộ diện nhà đầu tư quan tâm thực hiện 2 dự án.
Hai dự án xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao (Hà Nam) có tổng diện tích hơn 360 ha. Ảnh: Nhã Chi
Hai dự án xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao (Hà Nam) có tổng diện tích hơn 360 ha. Ảnh: Nhã Chi

Còn hơn 3 tuần để chuẩn bị hồ sơ dự thầu

Theo hồ sơ mời thầu, Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao địa phận thị xã Duy Tiên (gọi tắt là Dự án Duy Tiên) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện (m1) là 2.879,672 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (m2) là 450,564 tỷ đồng, giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) là 10,887 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến là 1.614,621 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp 499,535 tỷ đồng, tổng giá trị vốn chủ sở hữu và vốn vay nhà đầu tư có khả năng thu xếp tối thiểu 3.330,236 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất thuộc phạm vi Dự án khoảng 101,48 ha. Quy mô dân số dự kiến 9.338 người.

Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao địa phận TP. Phủ Lý (gọi tắt là Dự án Phủ Lý) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện (m1) là 4.132,693 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư (m2) 1.118,772 tỷ đồng; giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) 19,029 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến 2.513,33 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp 787,719 tỷ đồng; tổng giá trị vốn chủ sở hữu và vốn vay nhà đầu tư có khả năng thu xếp tối thiểu 5.251,465 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất thuộc phạm vi Dự án khoảng 259,34 ha. Quy mô dân số 15.219 người.

Hai dự án đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian thực hiện hợp đồng 60 tháng. Thời điểm đóng thầu lần lượt là 9 giờ và 9 giờ 30 ngày 8/1/2024.

Nhà đầu tư đạt sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là ai?

Việc 2 dự án trên đều có 2 nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm và được đấu thầu rộng rãi tạo kỳ vọng sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua quy trình cạnh tranh.

Tại Dự án Duy Tiên, 2 nhà đầu tư quan tâm và được đánh giá đạt sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là Liên danh Công ty CP Đầu tư Amazon River - Công ty CP Kinh doanh địa ốc Phát Đạt; Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone.

Công ty CP Đầu tư Amazon River được thành lập năm 2021, trụ sở tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do bà Lê Thị Thanh Minh là đại diện theo pháp luật. Bà Lê Thị Thanh Minh còn đại diện theo pháp luật cho 2 doanh nghiệp khác là Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình và Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Thành Công.

Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone được thành lập năm 2017, địa chỉ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, với vốn điều lệ ban đầu là 86 tỷ đồng, do 2 thành viên có địa chỉ đăng ký thường trú tại Hà Nội góp vốn là ông Lê Văn Hải và ông Phạm Kỳ Nam. Đến lần thay đổi thứ 6 (tháng 10/2022), vốn điều lệ tăng lên 986 tỷ đồng, 2 thành viên góp vốn là Đỗ Thị Thúy Ngọc và Trần Đức Tuấn (người đại diện theo pháp luật). Theo thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Phạm Kỳ Nam từng là người đại diện theo pháp luật cho Văn phòng Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình tại Hà Nội (đã ngừng hoạt động).

Theo những thông tin được công bố thì giữa một số cá nhân của 2 công ty là “đối thủ” của nhau tại dự án này có điểm chung là đều liên quan đến Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình.

Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình thành lập năm 2017, là nhà đầu tư một số dự án sử dụng đất tại Hòa Bình. Cổ đông góp vốn khi thành lập gồm Vũ Thị Hồng, Phạm Kỳ Nam và Lê Văn Hải. 2 trong 3 cổ đông này cũng là thành viên góp vốn ban đầu của Công ty TNHH Khoáng sản Việt - Stone.

Theo một số thông tin, cùng với ông Lê Văn Vọng, ông Lê Văn Hải là 1 trong 3 cổ đông sáng lập của Tập đoàn Lã Vọng.

Tại Dự án TP. Phủ Lý, 2 nhà đầu tư quan tâm và được đánh giá đạt sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group và Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land.

Việt - SK Group được thành lập tháng 9/2022, trụ sở tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, vốn điều lệ ban đầu là 86 tỷ đồng, đến lần thay đổi ngày 27/9/2022, vốn điều lệ là 968 tỷ đồng, 2 thành viên góp vốn có địa chỉ thường trú tại Hà Nội gồm Phạm Ngọc Anh và Nguyễn Anh Tuấn.

Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land được thành lập tháng 6/2021, địa chỉ tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn lớn nhất ban đầu là bà Lê Thị Lộc (98%), địa chỉ thường trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Theo tìm hiểu, bà Lê Thị Lộc là 1 trong 3 cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư phát triển Ngôi nhà mới. Ngôi nhà mới cũng có mối quan hệ khá mật thiết với Tập đoàn Lã Vọng.

Chuyên đề