Không tô hồng, bôi đen trong truyền thông chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ góc độ một chuyên gia kinh tế từng tham gia cả quá trình xây dựng và thực thi chính sách kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các cơ quan báo chí cần chủ động truyền thông chính sách một cách khách quan, xây dựng kỳ vọng đúng về các chính sách sắp được ban hành và thực thi.
Các cơ quan truyền thông cần tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách. Ảnh: Nam An
Các cơ quan truyền thông cần tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách. Ảnh: Nam An

Cùng với đó, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các chủ thể khác cần chú trọng cung cấp thông tin có trách nhiệm, để thực tế được định giá đúng, góp sức giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu về vai trò truyền thông chính sách của báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Tú Anh cho rằng, trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan nhà nước để định hình kỳ vọng phù hợp cho thị trường, góp phần tăng khả năng dự đoán chính sách. Nếu làm tốt điều này, tác động của chính sách thường xảy ra trước khi chính sách được ban hành.

Tại nhiều quốc gia, trước khi ban hành chính sách đều cung cấp các thông tin cụ thể về khảo sát kỳ vọng, đánh giá và dự báo tác động của chính sách với từng nhóm đối tượng và cả nền kinh tế. Nhờ đó, khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân đã có đủ thông tin để chuẩn bị tâm lý, các phương án kinh doanh nên dễ hiểu và đón nhận, không gây những “cú sốc” bất lợi và việc thực thi chính sách mới nhận được sự đồng thuận cao.

TS. Nguyễn Tú Anh Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Tú Anh

Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương

Truyền thông chính sách là quá trình giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các vấn đề mà Nhà nước đang đối diện, thuyết phục công chúng thay đổi nhận thức và hành động đúng pháp luật. Nhà nước cũng thông qua truyền thông chính sách để thăm dò ý kiến của dư luận trước khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh các chính sách và tạo sự đồng thuận.

Thực tế, trong quá trình soạn thảo chính sách ở nước ta, rất ít thấy những thảo luận về tác động có thể có của chính sách đang soạn thảo trên truyền thông, chỉ khi sắp có hiệu lực mới thấy bàn luận về những chính sách này. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy: hạn chế chất lượng của chính sách khi không được thảo luận rộng rãi trong quá trình soạn thảo; việc thảo luận khi chính sách đã được ban hành, chuẩn bị có hiệu lực làm giảm sự đồng thuận trong thực hiện, do đó giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu hóa chính sách. Vì vậy, việc các cơ quan truyền thông tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao tính giải trình của chính sách và tăng sự đồng thuận trong thực hiện chính sách.

Thêm vào đó, truyền thông chính sách cũng là quá trình chia sẻ thông tin về một chính sách cụ thể đến người dân nhằm thu hút người dân và các bên liên quan vào quy trình chính sách, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách. Trong quá trình đó, báo chí đóng vai trò truyền thông chính sách “đúng thông điệp” để giảm thiểu các cú sốc.

Theo ông Tú Anh, tại Việt Nam, điểm đáng chú ý trong những năm gần đây là báo chí dường như có xu hướng đưa nhiều tin tiêu cực hơn là tin tích cực. Điều này phản ánh thực trạng là tin tiêu cực được quan tâm nhiều hơn tin tích cực. Xã hội Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc về vật chất, tinh thần và tri thức, tại sao lại ít quan tâm đến những tin tích cực? Đây là một câu hỏi lớn. Phải chăng người dân quan tâm tới tin tiêu cực hơn hay vì tin tiêu cực có độ tin cậy cao hơn tin tích cực? Nếu giả thuyết thứ hai đúng thì truyền thông cũng có trách nhiệm trong xu hướng này. Khi truyền thông cố gắng tô hồng quá thực tế, dần dần sẽ đánh mất niềm tin của người dân đối với những tin dạng đó và kết cục là họ không quan tâm đến các thông tin dạng đó nữa. Để xây dựng xã hội hài hòa, hướng thiện, báo chí không nên tô hồng thực tế và càng không nên bôi đen cuộc sống.

Nếu đưa quá nhiều tin tiêu cực về một vấn đề thì sẽ định hình một kỳ vọng tiêu cực trên thị trường. Khi định hình kỳ vọng tiêu cực thì mọi người hành động tương ứng theo kỳ vọng. Chẳng hạn, nếu đưa quá nhiều thông tin về những khó khăn của nền kinh tế và cường điệu hóa mức độ khó khăn thì người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu để đề phòng. Càng nhiều người có quan điểm thắt chặt chi tiêu thì các chính sách kích cầu kinh tế càng giảm tác dụng và nền kinh tế sẽ càng khó khăn hơn.

Một ví dụ khác là “lạm phát kỳ vọng”, nếu nhiều thông tin đưa ra theo hướng kỳ vọng lạm phát cao thì người dân sẽ phản ứng bằng cách tăng mua tích trữ khi giá chưa tăng. Chính hành động tăng mua đồng loạt sẽ đẩy lạm phát thực tế lên cao hơn mức mà nó có thể tăng. Ngược lại, lạm phát tăng nhưng truyền thông theo hướng “lạm phát không đáng lo ngại” sẽ tạo kỳ vọng các chính sách tiền tệ và tài khóa chưa có dấu hiệu thắt chặt khiến chi tiêu và đầu tư tiếp tục tăng, đẩy lạm phát thực tế tăng cao. Quản lý kỳ vọng lạm phát là rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, và trong quản lý kỳ vọng thì truyền thông chính xác, cân bằng đóng vai trò then chốt.

Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần thực hiện được vai trò truyền thông có trách nhiệm, tức là cung cấp thông tin hiệu quả và có uy tín. Thông điệp chính sách đưa ra cần chuẩn xác, nhất quán và có dư địa để điều chỉnh. Một phát ngôn của cơ quan nhà nước được truyền thông sẽ lập tức được thị trường ghi nhận và định giá thông tin. Do vậy, cơ quan nhà nước cần giữ độ tin cậy và uy tín như một tài sản. Ở các nước phát triển, cơ quan điều hành thường đưa ra thông điệp chính sách theo xu hướng nào đó và từng bước thăm dò phản ứng của thị trường để điều chỉnh liều lượng chính sách cho phù hợp. Các cơ quan quản lý nhà nước thường hạn chế đưa ra các cam kết định lượng cụ thể vì sẽ đối mặt với rủi ro là thực tế không thể làm đúng như vậy, dẫn đến mất uy tín và độ tin cậy.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng cung cấp thông tin có chất lượng. Cơ quan điều hành cần nêu rõ quan điểm về những vấn đề đang xảy ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để thị trường hình thành kỳ vọng. Đặc biệt, không nên tránh né theo kiểu đưa “thông tin mà không có thông tin gì” vì sẽ làm mất lòng tin của thị trường đối với các thông tin của cơ quan điều hành. Quan trọng hơn hết, các chính sách cần tránh làm cho thị trường bất ngờ, tức là tăng cường truyền thông để làm sao khi ban hành người dân hầu như đều hiểu đúng là chính sách sẽ được thực thi như vậy.

Do đó, cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và cơ quan báo chí để truyền thông chính sách một cách chuẩn xác, tạo điều kiện cho người dân đón nhận và hiểu đúng về thông điệp chính sách.

“Về khía cạnh truyền thông chính sách, mức độ tín nhiệm của cơ quan điều hành là hết sức quan trọng. Khi xây dựng được tín nhiệm trong điều hành chính sách thì cả nước vận hành theo một khối, thị trường ngóng theo động thái của cơ quan nhà nước để vận hành. Trong quá trình đó, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng dư luận và chuyển tải thông điệp chính sách. Đó cũng là lý do vì sao báo chí được coi là cơ quan quyền lực thứ tư”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề