Trong tháng 2/2022, cả nước có 7.284 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 44% so với tháng trước. Ảnh: Phú An |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, cả nước có 7.284 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký 85,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 72,6 nghìn lao động, giảm 44% về số DN, giảm 55,7% về vốn đăng ký và giảm 5,8% về số lao động so với tháng 1/2022. So với cùng kỳ năm trước, giảm 9,4% về số DN, giảm 52,6% về số vốn đăng ký và tăng 27,4% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 11,7 tỷ đồng, giảm 20,9% so với tháng trước và giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, cả nước có 4.071 DN quay trở lại hoạt động, giảm 78,7% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong tháng 2, cả nước có 3.466 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 88,2% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021; có 1.917 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 72,9% so với tháng 1/2022 và giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước; 1.233 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 39,1% so với tháng trước và giảm 17,8% so với tháng 2/2021.
Nguyên nhân chính của tình trạng trầm lắng này được chỉ ra là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mặt khác, theo một số chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh doanh tháng 2 trầm lắng là do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất kinh doanh tăng cao, thậm chí liên tục lập đỉnh mới như giá xăng dầu. Đối với những doanh nghiệp đã thành lập, đang hoạt động cũng đang phải chống chịu trước áp lực giá cả hàng hóa tăng.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại vận tải và du lịch Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao và dự báo còn tiếp tục tăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải của DN. “Xăng dầu chiếm 35 - 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng cao như hiện nay khiến hoạt động kinh doanh của DN bị tác động nghiêm trọng”, ông Tiến lo lắng. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, hành khách cũng ít, các DN kinh doanh vận tải lại cạnh tranh bằng giá cước nên nếu DN tăng giá cước thì chắc chắn sẽ mất khách hàng. Tuy nhiên, nếu DN không tăng giá cước thì chắc chắc sẽ lỗ, người lao động không có thu nhập. Đây là bài toán khó.
Cùng với giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, giá nhiều nguyên vật liệu khác phục vụ cho sản xuất như: sắt thép, đồng, nhôm, xi măng… đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Một nhà thầu xây lắp lĩnh vực điện có trụ sở ở Thanh Hóa cho hay, lợi nhuận của DN bị bào mòn nghiêm trọng do chi phí sản xuất tăng cao. Khó khăn lớn nhất là đa phần các gói thầu của nhà thầu đều được ký kết theo loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định nên khi giá cả leo thang như hiện nay, DN phải “cắn răng” chịu đựng. Để ứng phó, ngoài việc tiết kiệm chi phí, DN buộc phải giảm nhân công.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang chia sẻ, khối sản xuất xi măng chắc chắn không nằm ngoài ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, bởi từ khâu vận chuyển nguyên liệu về nhà máy cho đến vận chuyển hàng hóa thành phẩm đều bị tăng chi phí, ước tính tăng 8 - 10%.
Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi, kết nối chuỗi cung ứng sau đại dịch, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp hỗ trợ cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, để giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào tăng cao, trong đó có giá xăng dầu, Chính phủ cần xem xét giảm giá xăng dầu hỗ trợ DN bằng một số hình thức như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng…