Khởi động Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để khắc phục ô nhiễm, 20 năm trước, nhiều phương án đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được đưa ra nhưng chưa thể thực hiện. Đến nay, Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đang được khởi động. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị, cải thiện hạ tầng cho TP.HCM.
TP.HCM sẽ ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Minh Quân
TP.HCM sẽ ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Minh Quân

Ngày 19/4/2023, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, đã hoàn tất nhiều hồ sơ thiết yếu của Dự án như: nhiệm vụ thiết kế; nhiệm vụ khảo sát xây dựng; dự toán chi phí giai đoạn chuẩn bị đầu tư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu…, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong thời gian tới.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án do đơn vị này chủ trì đã được trình UBND Thành phố và HĐND Thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 12/2022. Đây là dấu mốc quan trọng để năm 2023 hoàn tất các thủ tục cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Dự án sẽ ảnh hưởng tới 139.333 m2 đất trên địa bàn quận Bình Thạnh, đồng thời ảnh hưởng tới 1.782 hộ gia đình, cá nhân và 14 cơ quan, tổ chức trên địa bàn Quận. Đối với quận Gò Vấp, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 19.516 m2.

Theo chia sẻ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, hiện 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh đang đẩy nhanh các công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, xác định ranh giải phóng mặt bằng, thông báo cho người dân, đồng thời cắm mốc tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng trên thực địa đang được chính quyền địa phương phối hợp với Chủ đầu tư triển khai ngay từ đầu năm 2023 và liên tục cập nhật tiến độ.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu tư vấn đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. “Đây là bước quan trọng để trình Thành phố phê duyệt kế hoạch vốn, làm cơ sở lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư Dự án. Ban cố gắng hoàn thành sớm khâu này để UBND TP.HCM phê duyệt Dự án trong tháng 9/2023. Ngay sau khi được phê duyệt, công tác xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng các gói thầu, hồ sơ mời thầu sẽ được triển khai”, Chủ đầu tư khẳng định.

Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) có tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 6.600 tỷ đồng; hơn 3.000 tỷ đồng phục vụ cho các gói thầu xây lắp với chiều dài 6,6 km và 3 tuyến rạch nhánh (Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có chiều dài hơn 2,2 km. Dự án nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại rạch Xuyên Tâm; thoát nước, chống ngập cho khu vực; kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến; thu gom rác thải về nhà máy xử lý tập trung của Thành phố, kết nối vào hệ thống cống của Dự án Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè để dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn 6.600 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các hạng mục liên quan đến giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, dự án hạ tầng này được xác định là dự án trọng điểm, mang tính cấp bách của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Thành phố sẽ ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành Dự án. “Đây cũng là dự án có mức chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều người dân. Do đó, TP.HCM sẽ ban hành các phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bám sát nhất vào quyền lợi bị ảnh hưởng của người dân, công khai minh bạch để nhận được sự đồng thuận của người dân. Giải phóng mặt bằng nhanh và gọn mới có thể lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa Dự án vào phục vụ người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Chuyên đề