Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Thiết Cương, Phó Giám đốc Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hoàng Mai cho biết, để làm được tuyến đường này cần giải phóng mặt bằng trên 67.000m2, trong đó quận Hoàng Mai trên 58.000m2. Và đây chính là lý do khiến tuyến đường huyết mạch, giúp giải tỏa giao thông khu vực Linh Đàm chỉ dài 2,1km nhưng đã vắt qua 15 năm chưa thể triển khai.
Theo đó, năm 2002, để giải tỏa lưu lượng phương tiện khu vực Linh Đàm, năm 2002, UBND TP.Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng-Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai). Tuyến đường nối từ Khương Trung (Thanh Xuân) đến Giải Phóng (đối diện với đường Kim Đồng hiện nay) dài 2,1km.
Tuyến đường có tổng mức đầu tư dự toán hơn 1.300 tỷ đồng được xây dựng theo hình thức BT. Nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.
Theo phương án mở đường, quận Hoàng Mai sẽ có 557 hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ xây dựng tuyến đường, nhưng đến nay mới chỉ chi trả tiền đền bù GPMB cho 269 hộ, phần còn lại hoặc chưa nhận tiền hoặc chưa có phương án giải quyết thấu đáo nên người dân chưa đồng thuận.
Ông Cương thừa nhận, nguồn gốc đất đai khu vực Định Công và Thịnh Liệt quá phức tạp, phần lớn là đất nông nghiệp nhưng trải qua quá trình hàng chục năm, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý để người dân xây dựng nhà cửa kiên cố, mua đi bán lại nên giờ rất khó khăn trong việc áp giá đền bù.
Điển hình như phường Định Công còn khoảng 2.000m2 đất có nguồn gốc nông nghiệp, thuộc HTX Nông nghiệp Định Công trước đây đã giao cho 408 xã viên, trung bình mỗi hộ 2,5m2. Tuy vậy, diện tích này hiện lại có 38 hộ dân đã xây dựng nhà cửa kiên cố, sử dụng lâu năm. Hay như khu vực ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phần lớn toàn là cán bộ nghỉ hưu công tác tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Hà Nội được giới thiệu về đây mua đất, mua nhà ổn định cuộc sống, nhưng xét về nguồn gốc đất thì vẫn là đất nông nghiệp, có những hộ đã xây nhà ở ổn định từ những năm 1990-1991 đến nay.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thiết Cương cũng đánh giá, khó khăn nhất hiện nay là trên địa bàn phường Thịnh Liệt, bởi theo QĐ 104/2002/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 24/7/2002 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ của tuyến đường vành đai 2,5 này thì không có xã Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì). Song, các văn bản chỉ đạo sau đó lại bao gồm cả địa bàn phường Thịnh Liệt nên đến nay người dân trong diện bị thu hồi vẫn cho rằng, tuyến đường đã bị nắn. Ông Nguyễn Thiết Cương cũng nhìn nhận, đây là sai sót của cán bộ địa chính xây dựng chỉ giới đường đỏ thời điểm đó đã bỏ sót xã Thịnh Liệt, và hiện các sở, ngành đang có Tờ trình để điều chỉnh việc này. Cũng chính vì khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất và chính sách bồi thường sau khi thu hồi nên đến nay công tác GPMB vẫn dậm chân tại chỗ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân cũng như đẩy nhanh tiến độ tuyến đường, quận Hoàng Mai cũng đã nhiều lần kiến nghị Thành phố cho áp dụng chính sách để tháo gỡ nhưng chưa được thông qua. Trong khi đó, vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chốt tiến độ phải hoàn thành dự án trong năm 2017.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khó có thể hoàn thiện được tuyến đường này đúng tiến độ. Đến hiện tại, mới có khoảng 400m có mặt bằng, nhà đầu tư đang triển khai trải đá dăm cấp phối khoảng 200m, phần còn lại chủ đầu tư quây rào tôn và cho thuê kinh doanh gara ô tô.