Thực trạng thị trường tín dụng phi chính thức
Tại Việt Nam, thị trường tài chính chính thức chỉ đáp ứng khoảng 80-85% nhu cầu vốn, phần còn lại là thị trường tín dụng phi chính thức. Trong các hình thức tín dụng phi chính thức như vay bạn bè, người thân, cầm đồ, vay ở tổ chức tài chính vi mô... thì tín dụng đen chiếm khoảng một phần ba thị trường tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 5-6% nhu cầu vốn.
Do lãi suất giữa người cho vay và người đi vay thuộc về thỏa thuận dân sự nên nhìn chung tín dụng đen vẫn hoạt động khá công khai, không phải chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng và thường chỉ bị xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bản chất hoạt động cho vay trên thị trường phi chính thức không phải là xấu, đây là kênh tín dụng hiệu quả, linh động nhằm giải quyết những nhu cầu tín dụng đa dạng của người dân mà các ngân hàng hay tổ chức tài chính không thể đáp ứng.
Tuy nhiên thực tế tín dụng đen lại thường gây ra những bất ổn xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Nguyên nhân là do tín dụng đen thường đi kèm với mức lãi suất cao, khiến người vay không trả được nợ, dẫn đến tình trạng đe dọa, gây rối hoặc các hành vi cưỡng đoạt tài sản của con nợ để đòi nợ.
Gói tín dụng mới khó đánh bật được tín dụng đen
Trước thực trạng nhức nhối của tín dụng đen, nhất là tại khu vực nông thôn, Chính phủ, NHNN kết hợp với các bộ, ngành khác đã có những động thái tích cực nhằm hỗ trợ người dân có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn chính thức thông qua việc tăng nguồn tín dụng cho khu vực nông thôn, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý và đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục vay vốn.
Việc triển khai chương trình tín dụng lần này nằm trong Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này đã nới rộng giới hạn vay tín chấp cho người nông dân lên gấp đôi (từ 50 triệu lên 100 triệu đồng với hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và từ 100 triệu lên 200 triệu với hộ gia đình cư trú tại khu vực nông thôn). Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ và NHNN, Agribank là đơn vị đầu tiên cho biết chuẩn bị triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng.
Thật ra, những chỉ đạo từ Chính phủ trong việc tăng cường nguồn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn không phải là mới (đã có từ năm 2010). Bản thân các ngân hàng cũng đã đa dạng hóa sản phẩm cho vay, từ bán buôn, bán lẻ, sinh viên, đối tượng chính sách cho đến quy mô nhỏ hơn là tài chính vi mô cho người nghèo, hộ thoát nghèo. Tuy nhiên tín dụng đen không vì thế mà có dấu hiệu suy giảm.
Trong cấu thành của lãi suất, có hai chỉ tiêu quan trọng là: (i) mức độ rủi ro của việc không trả được nợ và (ii) chi phí giao dịch. Theo đó, lãi suất tăng dần từ tín dụng chính thức (khoảng 10% nếu có tài sản thế chấp hoặc 18-20% nếu vay tín chấp), đến tín dụng phi chính thức (vay từ người quen, người thân) và hình thức tín dụng phi chính thức cuối cùng là tín dụng đen (trên 100%/năm), tương ứng với cấp độ tăng dần của mức độ rủi ro và chi phí giao dịch.
Bản chất tín dụng là sự đánh đổi giữa mức độ dễ dàng trong tiếp cận tín dụng và mức độ rủi ro của việc không trả được nợ, thể hiện qua lãi suất. Khả năng tiếp cận vốn càng linh động, dễ dàng, nhưng không dựa trên tài sản đảm bảo thì mức độ rủi ro càng tăng, kéo theo lãi suất tăng cao.
Vì vậy một gói tín dụng vừa có khả năng tiếp cận dễ dàng, vừa có lãi suất thấp như kỳ vọng của Chính phủ và NHNN sẽ khó xảy ra. Hoặc nếu trong trường hợp ngân hàng có thể đưa ra một gói tín dụng như vậy thì việc lãi suất thấp hơn mức rủi ro thực tế sẽ khiến cho người vay càng chủ quan trong việc đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh, qua đó tăng nguy cơ vỡ nợ và đẩy họ gần hơn tới tín dụng đen.
Giải pháp căn cơ đẩy lùi tín dụng đen
Chủ trương ngăn chặn hình thức tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, hy vọng ngăn chặn tín dụng đen dựa trên việc mở rộng các gói tín dụng hiện tại sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.
Để đẩy lùi tín dụng đen, việc đầu tiên cần làm là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho những người dân có nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng. Theo đó, ngân hàng nên hướng tới việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đưa ra các gói tín dụng vi mô phù hợp theo nhu cầu thực tế của địa phương thay vì chỉ tăng quy mô tín dụng.
Tiếp theo, chính quyền địa phương cần tăng cường giáo dục về quản lý tài chính cá nhân, giúp người dân biết cách quản lý chi tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính cho bản thân nhằm giảm mức độ rủi ro của việc vỡ nợ. Việc hiểu rõ về quản lý tài chính sẽ giúp người dân không tìm đến các hình thức tín dụng đen ngay từ đầu.