Khí phách dân tộc nhìn từ mùa Xuân Kỷ Dậu 1789

(BĐT) - Khí phách ấy, vào cuối mùa đông năm Mậu Thân (1788), đã buộc những người dân Bắc Hà - vốn đã 300 năm quen phận làm thần dân, tôi trung của triều đại nhà Lê - phải thốt lên lời dè bỉu giận dữ: “Nước Nam ta, từ khi có vua đến giờ, chưa thấy vua nào đớn hèn đến thế”. 
Quang Trung đại phá quân Thanh
Quang Trung đại phá quân Thanh

Đó là khi họ phải chứng kiến cảnh vua Lê Chiêu Thống, chẳng những đã rước quân xâm lược nhà Thanh vào cõi, mà còn quỵ lụy cung phụng hết mức thói kiêu căng ngang ngược của đám ngoại bang phương Bắc này. 

Khí phách ấy, cũng vào một ngày cuối đông năm Mậu Thân giá rét, đã khiến tướng Tây Sơn Phan Văn Lân, chỉ có dưới cờ chưa đầy một vạn quân, nhưng vì trách nhiệm được chủ soái Nguyễn Huệ - lúc này đang ở trong Phú Xuân - giao việc phòng thủ Bắc Hà, đã hiên ngang thúc quân vượt nước buốt sông Cầu, đón đánh đại quân nhà Thanh đông gấp cả chục lần, cho dù phải hy sinh gần hết giữa dòng nước lạnh!

Và khí phách ấy - may sao, không chỉ có dũng lược, mà còn được cả mưu lược kèm theo - đã khiến mưu thần Ngô Thì Nhậm, sáng tạo được “Nước cờ Tam Điệp”: đưa toàn bộ quân lực Tây Sơn phòng giữ Bắc Hà rút cả về án ngữ ở “Phòng tuyến Tam Điệp” - giữa Ninh Bình và Thanh Hoá - bỏ ngỏ Thăng Long “cho quân Thanh vào ngủ trọ một đêm, rồi chờ chúa công (Nguyễn Huệ) đem đại quân ra, cùng đánh đuổi chúng đi, giống như người chơi cờ cao tay, trước hãy nhường đối phương một nước, rồi mới đem nước cờ sau mà đánh thắng toàn cuộc” như lời sách “Hoàng Lê nhất thống chí” đã ghi lại.

Và thế là chủ tướng Tôn Sĩ Nghị của đạo quân xâm lược Mãn Thanh, không phải chỉ đông đến 20 vạn, mà thực tế là 29 vạn, đã mắc phải sai lầm chiến lược chết người trước “Nước cờ Tam Điệp” lợi hại ấy. Đang ồ ạt tiến binh với sự “nối giáo cho giặc” của bọn vua quan Lê Chiêu Thống, thì “tự nhiên” khựng lại ở trong và chung quanh Thăng Long, biến cả một lực lượng khổng lồ hùng hổ thành một đám quân tướng nhàn tản, vừa chỉ chăm chăm việc thưởng xuân, ăn Tết, vừa tự phơi bày bộ mặt tàn bạo, giả nhân nghĩa và bán nước hại dân, cứ thế mà “vô tình” ngồi chờ ngày bị tấn công, tận diệt!

Hoàng soái Nguyễn Huệ, lên ngôi Quang Trung hoàng đế ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), chính là người được tinh hoa hun đúc, là vị chủ tướng của cuộc tấn công tận diệt bọn xâm lược vừa “hớ” nước cờ chiến lược, đồng thời cũng chính là người đã xuất thần mà thành ra được những tuyên ngôn tiêu biểu và bất hủ, phản ánh rõ nét khí phách dân tộc.

Thân chinh đốc xuất toàn bộ 5 vạn quân lên đường đánh giặc ngay sau lễ đăng quang ở Phú Xuân (Huế) ngày 25 tháng 11, bốn ngày sau, ra đến Nghệ An, vừa tuyển mộ, vừa huấn luyện tân binh trong vòng hơn 10 ngày, sang đến trung tuần tháng Chạp, Quang Trung đã có dưới cờ cứu quốc thêm hơn vạn quân, mấy trăm thớt voi để tổ chức một cuộc duyệt quân lớn. Và, oai phong trong bộ giáp trụ, ngồi cao trên đầu voi trận, mà hiểu dụ các tướng sĩ bằng những lời không thể hay hơn:

“Quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta! Hiện chúng đã đóng quân ở thành Thăng Long, anh em có biết không?”

“Trong khoảng trời đất, phận sao Dực, Chẩn đã chỉ rõ, phương Nam phương Bắc, mỗi nước một phương. Người nước Bắc không phải cùng giống nòi với nước ta, bụng dạ họ khác hẳn ta: Từ đời Hán trở đi, họ cướp đất đai ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, nông nỗi ấy không ai chịu nổi, ai cũng muốn đánh đuổi chúng nó đi!”.

“Vì thế mà đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các ngài đã không chịu bó tay ngồi nhìn giặc làm điều tàn bạo, nên đã theo lòng người mà dấy nghĩa, đánh thắng, rồi đuổi giặc đi!”.

“Nay quân Thanh không biết trông gương Hán, Tống, Nguyên, Minh ngày xưa, càn rỡ định chiếm nước ta làm quận huyện của chúng lần nữa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh. Các anh em là người có nghĩa khí tài năng, nên phải cùng ta dốc sức mà dựng nên công lớn!”.

Sau đấy mấy ngày, ra đến xứ Thanh, lại có thêm đông đảo nghĩa quân gia nhập, Quang Trung đã tổ chức một lễ “thệ sư” long trọng ở Thọ Hạc (nay thuộc địa phận thành phố Thanh Hoá) để ra lời tuyên ngôn chiến trường hết sức độc đáo:

“Đánh cho để dài tóc
  Đánh cho để đen răng 
  Đánh cho nó chích luân bất phản
  Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
  Đánh cho nó sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ!”

được sách “Minh đô sử” chép lại, với nghĩa: “Đánh giặc để giữ gìn văn hoá phong tục cổ truyền/ Đánh cho giặc không còn mảnh giáp, bánh xe chạy về/ Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ!”.

Những lời lẽ tràn đầy khí phách dân tộc ấy, đã được “Quân sĩ hò reo hưởng ứng, khiến rung động cả hang núi như sấm ran, trời đất phải đổi màu”, như lời sách “Lê quý kỷ sự” đã ghi lại.

Và đến ngày 20 tháng Chạp (15/1/1789) thì đại quân ra đến Tam Điệp, hội binh cùng lực lượng được giao trấn giữ Bắc Hà, từ trước để toàn quân mà rút về đứng chân tại đấy. Kiểm điểm tổng quân số lúc này đã lên đến 10 vạn, tuy chỉ bằng một phần ba lực lượng giặc, nhưng Quang Trung, 10 ngày trước khi khai trận, vào đúng dịp Tết xuân năm Kỷ Dậu (1789), vẫn khen ngợi thế trận đã được “Nước cờ Tam Điệp” của mưu thần Ngô Thì Nhậm bày sẵn:

“Các ngươi đã chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của giặc, đành chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến lòng quân kích thích, ngoài thì khiến lòng giặc kiêu căng. Đó là một kế hay!”.

Và đanh thép tuyên bố:

“Nay ta ra đây thân đốc suất việc binh, phương lược tiến đánh đã tính sẵn tất cả rồi! Chỉ trong vòng mười ngày là có thể đuổi xong giặc Thanh thôi!”.

Cả hai bộ chính sử và ngoại sử lớn, “Đại Nam chính biên liệt truyện” và “Hoàng Lê nhất thống chí”, đều chép được những lời lẽ mà tinh hoa, khí phách dân tộc trong dịp Xuân Kỷ Dậu (1789) đã dồn vào Quang Trung như thế. Đồng thời, cả những tiên liệu thần tình, thấu đáo và đầy tính nhân văn cho buổi hậu chiến nữa:

“Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười lần nước mình. Sau khi bị thua một trận, ắt phải lấy làm hổ thẹn mà cố sức báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt. Thật không phải phúc cho dân, lòng ta không nỡ làm vậy. Cho nên, đến lúc đó, chỉ có một cách là dùng lời lẽ khéo léo, thì mới ngăn được cái họa chiến tranh!”.

Tất cả những diễn biến của thực tế lịch sử, chiến tranh Thanh - Việt, những ngày Tết xuân năm Kỷ Dậu, và cả cuộc bang giao hoà hiếu trong suốt năm “cầm tinh con gà” ấy nữa, đều răm rắp đúng như những lời lẽ và tuyên ngôn đầy khí phách của Quang Trung và những người đương thời.

Dân tộc ta, trong lịch sử thường làm nhiều mà ít nói. Nhưng, chưa bao giờ lại thấy như ở trường hợp này. Ngôn và hành, dồn dập và quyết liệt, đều đẹp đẽ, hiệu quả, mà tràn đầy khí phách như thế.

Chuyên đề