Khi bên mời thầu vin vào lý do “chuyên dụng”

(BĐT) - Liên quan đến những kiến nghị của nhà thầu về việc hồ sơ mời thầu (HSMT) có nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với yêu cầu của gói thầu, mới đây, Ban Quản lý Dự án Kho lưu trữ chuyên dụng đã có văn bản phúc đáp, làm rõ kiến nghị của nhà thầu. 
Theo các chuyên gia, HSMT của Gói thầu “Giá kệ lưu trữ tài liệu” quy định “xuất xứ Malaysia hoặc tương đương” là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Quan Mai st
Theo các chuyên gia, HSMT của Gói thầu “Giá kệ lưu trữ tài liệu” quy định “xuất xứ Malaysia hoặc tương đương” là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Quan Mai st

Tại văn bản này, Bên mời thầu một lần nữa bày tỏ quan điểm “kiên định” về tiêu chí nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.

Giá kệ lưu trữ phải sản xuất tại Malaysia

Trên số báo 145 (ra ngày 4/8/2017), Báo Đấu thầu đã phản ánh nội dung kiến nghị của một nhà thầu liên quan đến HSMT Gói thầu “Giá kệ lưu trữ tài liệu” thuộc Dự án Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Tiền Giang. Theo đó, HSMT đã đưa ra những quy định về tính năng kỹ thuật của giá kệ lưu trữ tài liệu như: chiều cao giá kệ, chiều sâu, khổ giá lọt lòng, khổ giá phủ bì… để yêu cầu cụ thể thông số kỹ thuật của hàng hóa. Tại phần nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa, HSMT yêu cầu cụ thể “nhãn hiệu châu Âu” và xuất xứ “Malaysia hoặc tương đương”.

Băn khoăn về tiêu chí này, nhà thầu cho rằng, HSMT không nêu rõ thế nào là hàng hóa “tương đương”. Như vậy, nếu nhà thầu chào hàng hóa trong nước (Việt Nam) sản xuất được với chủng loại, thông số kỹ thuật tương đương thì có được chấp nhận?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Tiền Giang (đơn vị tư vấn cho Bên mời thầu) khẳng định, yêu cầu về phạm vi cung cấp và tính năng kỹ thuật được đưa ra trong HSMT là phù hợp với Dự án và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt. Do đó, giá kệ lưu trữ tài liệu phải là hàng hóa nhập khẩu.

Cũng theo cán bộ này, giá kệ lưu trữ tài liệu là thiết bị chuyên dụng, phục vụ việc lưu trữ tài liệu lịch sử của tỉnh Tiền Giang, nên phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn của ngành văn thư - lưu trữ nhà nước, không phải giá kệ thông thường.

Quan điểm này đã được Bên mời thầu một lần nữa khẳng định trong văn bản phúc đáp tới các nhà thầu đã mua HSMT. Văn bản này nêu rõ, về phạm vi cung cấp, Bảng yêu cầu đặc tính kỹ thuật thay đổi từ “xuất xứ Malaysia hoặc tương đương” thành “sản xuất tại Malaysia”. Nhà thầu dùng thông tin này làm cơ sở cho việc lập HSDT. 

Không đảm bảo công bằng, minh bạch

Theo quy định của Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 và Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HSMT mua sắm hàng hóa không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Điển hình như: nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa; nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue; đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có), mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

Một chuyên gia đấu thầu đánh giá, HSMT của Gói thầu “Giá kệ lưu trữ tài liệu” quy định “xuất xứ Malaysia hoặc tương đương” là không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Vì cụm từ “tương đương” trong đấu thầu được hiểu là tương đương về chất lượng, kỹ thuật và khái niệm này cần được giải thích rõ trong HSMT để các nhà thầu làm cơ sở lập HSDT.

Mặt khác, trong trường hợp này, HSMT sử dụng cụm từ “tương đương” không đúng và cũng không giải thích rõ về khái niệm này đã gây khó cho các nhà thầu. Trong văn bản làm rõ HSMT gửi các nhà thầu, Bên mời thầu còn bỏ luôn cụm từ “tương đương” mà lại nêu rõ “sản xuất tại Malaysia” để quy định cho phần đặc tính kỹ thuật của sản phẩm là không đúng với quy định của Luật Đấu thầu.

“Theo Điểm i Khoản 6 Điều 89 của Luật Đấu thầu, nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch. Hành vi này là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu” – vị chuyên gia nêu trên thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Chuyên đề