Khập khiễng khi so sánh đơn giá hàng hóa trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần đây, dư luận đặt câu hỏi với chủ đầu tư/bên mời thầu vì sao giá một số hàng hóa thông qua đấu thầu lại cao hơn giá trên thị trường và đơn giá trúng thầu tại một số gói thầu có sự chênh lệch khá lớn. Phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam về vấn đề này.
Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam

Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam

Theo ông, có hay không sự khác biệt về giá trúng thầu của hàng hóa thông qua đấu thầu và hàng hóa trên thị trường cũng như giữa các gói thầu?

Qua thực tế hoạt động tư vấn thẩm định giá tài sản cho một số chủ đầu tư/bên mời thầu cho thấy, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu phải giải trình về việc vì sao đơn giá trúng thầu của các gói thầu và đơn giá sản phẩm trên thị trường lại khác nhau?

Chẳng hạn như giá trúng thầu của thiết bị máy chiếu đa năng NEC NP-MC342XG (370 chiếc, chưa bao gồm màn chiếu) tại đơn vị A là 22,25 triệu đồng, nhưng tại đơn vị B là 21,15 triệu đồng (đã bao gồm màn chiếu Dalite P84ES)… Hay là giá trúng thầu của thiết bị điều hòa treo tường model NS-A24TL Nagakawa (55 bộ) là 17,35 triệu đồng/bộ, nhưng giá thị trường chỉ có 14,29 triệu đồng/bộ?...

Ngoài các mặt hàng do Nhà nước định giá, quản lý giá, giá bán trên thị trường được hình thành trên cơ sở người bán quyết định giá bán dựa trên nguyên tắc xây dựng giá bán đảm bảo bù đắp chi phí cộng với lợi nhuận kỳ vọng và phải tuân theo nguyên tắc của cơ chế thị trường (cung cầu, cạnh tranh) chứ không thể đơn phương áp đặt giá bán, ngoại trừ độc quyền. Đối với mỗi đối tượng khách hàng, người bán cũng xây dựng giá bán khác nhau để phù hợp với hình thức mua bán, nên trong điều kiện mua bán khác nhau sẽ có cách định giá bán khác nhau.

Mua sắm hàng hóa thông qua đấu thầu cạnh tranh nhưng giá lại rất khác nhau và đôi khi cao hơn giá thị trường. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Giá trúng thầu của một tài sản ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Cùng hình thức đấu thầu nhưng các yếu tố hình thành giá khác nhau sẽ tạo nên sự khác biệt về đơn giá giữa các gói thầu. Cụ thể như số lượng, giá trị mỗi loại thiết bị trong mỗi gói thầu khác nhau sẽ có giá khác nhau, đơn hàng càng lớn thì giá trị chiết khấu tại nguồn càng cao dẫn đến giá vốn thấp hơn. Khi thẩm định giá phục vụ xác định giá đấu thầu, thẩm định viên xem xét lựa chọn báo giá có tổng giá (với khối lượng cụ thể) chào bán thấp nhất, chứ không nhặt các đơn giá thấp nhất của từng thiết bị trong các báo giá để làm căn cứ xác định giá dự toán của gói thầu.

Đó là chưa kể thiết bị công nghệ thường có cấu hình mở để người dùng có thể lựa chọn linh kiện nâng cấp, tăng khả năng sử dụng so với bản tiêu chuẩn; điều kiện kèm theo trong giá mua đã bao gồm cung cấp phụ tùng thay thế, linh kiện nâng cấp, vật tư tiêu hao (hoá chất, mực in chính hãng), thời gian bảo hành khác nhau… cũng tạo nên giá khác nhau. Nếu không có đủ thông tin về các yêu cầu trong mua sắm thì không thể phân biệt được sự khác nhau này.

Hơn nữa, trên thị trường rất ít doanh nghiệp tham dự thầu đang là đại lý của toàn bộ các thiết bị của 1 gói thầu, mà thường phải liên danh hoặc mua lại của doanh nghiệp khác dẫn đến các mặt hàng chủ lực, trực tiếp kinh doanh có giá chào thấp, các thiết bị phải mua lại có giá chào cao hơn do thặng dư gộp trong quá trình lưu thông.

Quan điểm của ông thế nào về việc so sánh giữa đơn giá trúng thầu với giá bán lẻ trên thị trường?

Hàng hóa được giao dịch qua đấu thầu nên bên bán/chào thầu còn phải đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ; hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ hãng sản xuất, bảo hành, bảo trì theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất... và đảm bảo khả năng cung ứng, tính đủ các chi phí vốn đến khi được thanh toán (chi phí bảo lãnh, rủi ro trong khâu lưu thông), hậu mãi...

Trong khi đó, hàng bán lẻ trên thị trường dễ tính hơn, người mua hầu như chỉ chú trọng vào so giá cùng sản phẩm theo giới thiệu của người bán, vì thế bên bán có thể định giá bán rẻ hơn, thậm chí còn được hỗ trợ khuyến mại, tặng quà theo từng thời điểm theo chiến lược kinh doanh ngắn hạn của hãng sản xuất…

Qua khảo sát thị trường bán lẻ cho thấy, nhiều nơi còn sử dụng những kỹ xảo bán hàng trực tuyến (nhập nhèm hàng cũ - mới; không công khai nguồn gốc xuất xứ; không nêu rõ hoặc nêu không đầy đủ thông số kỹ thuật chi tiết của hàng hóa…) nhằm thu hút sự quan tâm, tạo cảm giác yên tâm về giá của người mua, nhưng liên hệ trực tiếp thì báo hết hàng để dẫn dắt mua sản phẩm khác...

Do đó, chỉ nên so sánh, đưa ra đánh giá khi có đầy đủ thông tin và có một công thức quy đồng chính xác. Ngoại trừ việc chứng minh được trình tự của cuộc thầu không minh bạch, không công khai, dẫn đến kết quả đấu thầu không đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả, thì không nên đặt câu hỏi so sánh đơn giá giữa các gói thầu với giá bán lẻ trong khi không kiểm chứng được các yêu cầu, điều kiện kèm theo.

Chuyên đề