Khắc phục bệnh thiên vị trong chấm thầu

(BĐT) - Theo ý kiến của nhiều nhà thầu, một trong những nỗi lo lắng thường trực khi tham gia đấu thầu chính là “bệnh” thiên vị trong khi chấm thầu của các bên mời thầu/chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư/bên mời thầu đã loại nhà thầu với những lý do không trọng yếu, không cho nhà thầu được phép làm rõ hoặc lấy việc làm rõ để loại nhà thầu không mong muốn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Báo Đấu thầu đã có nhiều bài viết phản ánh một số bên mời thầu loại nhà thầu một cách khiên cưỡng ở những gói thầu hàng trăm tỷ đồng. Lý do là nhà thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, văn bản xác nhận của cơ quan thuế bị phủ nhận. Hoặc bên mời thầu loại nhà thầu vì những lý do không trọng yếu như đầm dùi, đầm cóc không đạt công suất theo quy định của hồ sơ mời thầu mà không cho phép nhà thầu được làm rõ… Nhiều nhà thầu do không phục vì bị loại đã năm lần bảy lượt gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chủ đầu tư/bên mời thầu đã nhanh chóng ký hợp đồng, cho nhà thầu trúng thầu khởi công công trình khiến nhà thầu bị loại “trở tay không kịp”, bị đặt vào tình thế “việc đã rồi”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, trong quá trình chấm thầu, không ít bên mời thầu/chủ đầu tư có thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Tại một gói thầu xây lắp quy mô lớn ở Hà Nội, hầu hết các nhà thầu đều bị soi kỹ lưỡng ở khâu đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, trong khi một nhà thầu “thân hữu”, hồ sơ dự thầu (HSDT) thì không hề phải làm rõ, nghiễm nhiên trở thành nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Các nhà thầu đã phản ánh với chủ đầu tư về HSDT có vấn đề của nhà thầu này nhưng chủ đầu tư “phớt lờ”. Để tìm lại công bằng cho chính mình, nhà thầu đã phải nhờ đến sự can thiệp của công an và các cơ quan chức năng với các bằng chứng rõ ràng, xác thực rằng, HSDT của nhà thầu “thân quen” có nhiều tài liệu giả mạo, sau đó nhà thầu nọ mới chấp nhận “rút lui” khỏi cuộc thầu.  

Qua công tác kiểm tra về đấu thầu và báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương về đấu thầu, thực tế giải quyết kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, quá trình đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất (HSĐX) của các chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn còn mang tính chủ quan, không minh bạch. Có hiện tượng cố tình loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng; không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ, tạo bất lợi đối với một số nhà thầu, đồng thời bỏ qua những sai sót nghiêm trọng đối với những nhà thầu có quan hệ “thân hữu, theo địa bàn, theo ngành”. Trong khi đó, công tác thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu còn hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều trường hợp báo cáo thẩm định chỉ nêu lại nội dung của Tờ trình mà không đưa ra nhận xét, kiến nghị cụ thể.

Trước những hành vi tiêu cực vẫn còn tồn tại trong công tác đấu thầu, mới đây, tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (gọi tắt là Chỉ thị số 03), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ thị, việc đánh giá HSDT/HSĐX phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá HSDT/HSĐX”.

Chỉ thị số 03 cũng nêu rõ: Việc làm rõ HSDT/HSĐX phải được thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 16, Điều 27 và Điều 37 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, không được loại nhà thầu tại bước kiểm tra tính hợp lệ HSDT/HSĐX do thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm khi chưa thực hiện làm rõ HSDT/HSĐX. Đồng thời nghiêm cấm việc làm rõ HSDT/HSĐX dẫn đến thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp. Riêng đối với hình thức chỉ định thầu, hạn chế việc làm rõ HSĐX kèm thay đổi nội dung cơ bản của HSĐX đã nộp dẫn tới kéo dài thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả kinh tế của gói thầu. Đối với các tài liệu về năng lực, kinh nghiệm do nhà thầu gửi đến bên mời thầu, chủ đầu tư trong thời gian đánh giá HSDT/HSĐX phải được tiếp nhận để xem xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 03 cũng nêu rõ, đối với công tác thẩm định các nội dung trong đấu thầu, phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, trung thực, khách quan, công bằng. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo quy định tại các Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT  và Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT...

Chuyên đề