Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngô Ngãi |
Ông Đặng Xuân Hợp, Chủ tịch VBLC cho biết, hòa giải vẫn còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phương thức này sẽ nhanh chóng trở thành một lựa chọn giải quyết tranh chấp phổ biến cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, đơn giản vì nó tốn ít chi phí, nhanh và hiệu quả. Luật sư có thể hỗ trợ để phổ biến phương thức hòa giải một cách hiệu quả bằng việc khuyến nghị khách hàng sử dụng hòa giải và trợ giúp khách hàng trong suốt quy trình hòa giải một cách nhanh nhất và đạt hiệu quả về chi phí cao nhất.
“Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bởi nó tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với thêm nhiều giao dịch thương mại, một cơ chế giải quyết tranh chấp gọn nhẹ sẽ giúp khu vực tư nhân có thêm tự tin để tham gia vào các giao dịch kinh doanh”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết.
Trên toàn cầu, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án phổ biến và được ưa chuộng trong giới kinh doanh với sự hỗ trợ của một bên thứ ba trung lập và độc lập - hòa giải viên. Hòa giải viên sử dụng nhiều nghiệp vụ khác nhau để dẫn dắt quy trình hòa giải theo hướng xây dựng và giúp các bên đạt được một giải pháp lâu dài và cùng có lợi. Điều này giúp các bên không phải theo đuổi quy trình tố tụng tòa án kéo dài và tốn kém. Ở Việt Nam, Nghị định về Hòa giải Thương mại được ban hành vào tháng 2/2017 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án. Kết quả hòa giải được pháp luật công nhận và quy định cơ chế thi hành.
IFC đang nỗ lực thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải và xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư vào các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam. Điều này sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong nước, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng và tạo việc làm.