Bắt đầu chương trình làm việc ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: VGP |
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước sẽ dự phiên toàn thể và các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN, đại diện thanh niên ASEAN, đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Các phiên họp của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng"; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là hội nghị quan trọng để các nước trao đổi triển khai những ưu tiên trọng tâm trong năm 2023 bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: TTXVN |
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận các biện pháp, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là bảo đảm nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020 khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ có cuộc gặp với Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Các lãnh đạo ASEAN sẽ nghe báo cáo của Nhóm đặc trách về tiến độ xây dựng tầm nhìn của ASEAN, đồng thời trao đổi và sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội sau gần hai thập niên kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời.
Ngoài ra, cũng theo thông lệ hằng năm, lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ có các cuộc gặp với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (ASEAN-AIPA), Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN (ASEAN Youth). Các hội nghị này sẽ là dịp để ASEAN nỗ lực hơn nữa trong việc tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ; tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với hợp tác ASEAN; tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Dự kiến tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua 3 Tuyên bố chung. Ảnh: VGP |
Một trong những nội dung quan trọng nữa mà các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận là các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm vấn đề Myanmar. Tại Cấp cao năm ngoái, các lãnh đạo ASEAN đánh giá việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm chưa có nhiều tiến triển. Vì vậy, đây cũng sẽ là một ưu tiên cao của ASEAN và Việt Nam sẵn sàng tích cực tham gia vào tiến trình này.
Dự kiến tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua 3 Tuyên bố chung về hướng đến Tầm nhìn sau 2025; Tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN; Nạn buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ.