Hoàng Thành, nơi ghi dấu vị anh hùng xả thân vì nước

(BĐT) - Một ngày chuẩn bị sang năm mới Canh Tý, tôi gặp Giáo sư sử học Lê Văn Lan chậm rãi bước lên vọng lâu ở Bắc Môn Hoàng Thành. Ông kính cẩn thắp nén hương trước bàn thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu… Tết mới sắp về, Hà Nội rộn ràng muôn hoa và cũng trầm mặc nơi tòa Thành cổ.    
Hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được thờ trên vọng lâu Bắc Môn Hoàng Thành
Hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được thờ trên vọng lâu Bắc Môn Hoàng Thành

Có lần ngồi ở căn phòng nhỏ trong căn biệt thự cũ trên phố Nguyễn Văn Tố của Giáo  sư Lan, tôi thấy bao quanh ông rất nhiều sách cũ, mới. Trong đó, có những bìa sách vẽ cảnh Hoàng Thành. Không hỏi ông, nhưng tôi hiểu đó không chỉ đơn thuần là tư liệu cần có của người nghiên cứu sử, mà còn thể hiện sự nặng tình với quá khứ của một người yêu Hà Nội.

Câu chuyện về sự tuẫn tiết bi tráng của Hoàng Diệu, buồn nhưng đáng nhắc nhớ về tấm gương nghìn năm để hậu thế soi chiếu.

Hoàng Diệu tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tên thật của ông là Hoàng Kim Tích, sau đổi thành Hoàng Diệu. Ông sinh năm 1828 (Mậu Tý),  nổi tiếng là chí sỹ yêu nước, và tính công minh, lòng thanh liêm trong suốt những năm làm quan. Ông đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848) và phó bảng khoa Quý Sửu (1853)… Năm 1880 (Canh Thìn) ông lãnh chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội), gồm cả việc thương chính, trấn giữ thành Hà Nội.

Lúc bấy giờ, người Pháp đã chiếm được toàn bộ miền Nam và từng đem quân ra đánh miền Bắc. Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. Trong hoàn cảnh đó, việc trấn giữ thành Hà Nội được coi là khó khăn và cấp bách. Nhiệm vụ quan trọng đó được vua Tự Đức giao cho Hoàng Diệu. Khi ra đến Hà Nội, ông đã xây dựng kế hoạch triển khai các tuyến và phương án phòng thủ, gia cố thành lũy, cảnh báo về mối nguy hiểm từ quân Pháp đến với quan, dân để sẵn sàng nghênh địch.

Năm 1882, Pháp điều đại tá Henri Rivière mang quân ra Bắc, đóng tại Đồng Thủy, cách Hà Nội khoảng 5 km. Nhận được tin, Tổng đốc Hoàng Diệu đã thề quyết tử với Hà Nội và hạ lệnh giới ngiêm. Tháng 4/1882, Henri Rivière lệnh cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, gửi tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu tự phá hệ thống phòng thủ, giải giới binh sỹ, các quan phải ra trình diện. Khi các yêu cầu của mình không được đáp ứng, Henri Riviere đã hạ lệnh cho các tàu chiến nã pháo để yểm trợ cho bộ binh đổ bộ đánh chiếm thành Hà Nội.

Trước sức mạnh của quân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn kiên cường chỉ đạo quân dân quyết chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội. Tuy nhiên, lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp. Sau một số đợt kháng cự kiên cường, ông lệnh cho quân giải tán để tránh thương vong và rút vào hành cung, thảo tờ biểu tạ tội với Vua. Trước Võ Miếu, ông dùng khăn bịt đầu tự vẫn để không rơi vào tay giặc.

Việc quan Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết đã khiến sĩ dân Hà Nội vô cùng thương tiếc. Sau đó, thi hài ông được đưa về mai táng tại Khu vườn dinh Đốc Học. Việc hương khói, thờ phụng ông sau đó cũng được sĩ dân thực hiện tại vọng lâu Bắc Môn và tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa (Hà Nội). Tên của ông được đặt cho tuyến đường rợp bóng cây cổ thụ quanh năm xanh mát phía Tây thành cổ, gần sát phố Nguyễn Tri Phương… Phía Ô Quan Chưởng hiện còn lưu giữ một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ được niêm yết vào năm 1881 của Hoàng Diệu và tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn, răn đe nạn nhũng nhiễu, vòi tiền nhân dân của quan lại…

Đầu năm 2019, Nhà hát Kịch Hà Nội tất bật chuẩn bị công diễn vở diễn mới mang tên “Hà Thành chính khí” với bối cảnh Hà Nội những năm 1880 khi thực dân Pháp đã chiếm được vùng Nam Kỳ và đem quân ra Bắc…và nổi bật là chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu.

Tháng 10, tôi được một họa sỹ, bạn thân của NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tặng đôi vé. Xem vở diễn vào tối đầu tiên công chiếu, nhiều khán giả đã xúc động. Bằng sự kết cấu tài tình trong nội dung chính sử và đôi điều hư cấu… các nghệ sỹ đã tái hiện sinh động cảnh Hoàng Diệu nhận quà từ phương xa của mẹ, cảnh ông đau xót trước trận tàn với quân Pháp lúc thành thất thủ...

NSND Trung Hiếu, cũng là đạo diễn vở kịch lý giải, khi xây dựng khúc tráng ca về Tổng đốc Hoàng Diệu, anh và tập thể các nghệ sỹ nhà hát muốn tri ân đến những bậc tiền nhân đã có nhiều đóng góp, hy sinh làm nên Hà Nội nay…

Chạm bước Hà Nội, sau cánh cửa gỗ nâu cũ của Hoàng Thành, bất kỳ ai đó cũng sẽ được chiêm ngắm những trầm tích lịch sử lắng sâu nơi điện Kính Thiên, Đoan Môn hay hành cung vua ngự mỗi khi kinh lý Bắc Thành… Trong không gian uy linh, họ sẽ cảm nhận rõ hơn về câu chuyện sáng ngời tinh thần tiết nghĩa, xả thân vì nước của người anh hùng - Tổng đốc Hoàng Diệu.

Chuyên đề