Ảnh minh họa: Internet |
Theo đó, TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCTD.
TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận.
Trường hợp để nhận biết và xác minh khách hàng vay vốn qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, TCTD phải có biện pháp, hình thức công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các giấy tờ tùy thân gắn với khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được cấp phép hoặc với thông tin tại kho dữ liệu khách hàng của TCTD.
TCTD phải lưu giữ, bảo quản hồ sơ cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, đảm bảo an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ và cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết.
Theo lý giải của Ban soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử của TCTD theo hướng bổ sung thêm các quy định để đảm bảo an toàn hoạt động cho vay này.
Về nội dung này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, quy định tại Dự thảo rất chung chung. Cho vay qua phương tiện điện tử, đặc biệt là cho vay được thực hiện theo phương thức tự động hóa có đặc thù riêng: về quy trình thực hiện, hồ sơ thủ tục, thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra giám sát sau giải ngân… nên cần có quy định riêng (thành chương riêng tại dự thảo hoặc có văn bản hướng dẫn riêng).
Theo VNBA, khi cho vay bằng phương tiện điện tử thì sẽ không còn yêu cầu chữ ký của người có thẩm quyền, do các công đoạn đã thực hiện theo hệ thống điện tử. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc cho phép sử dụng chữ ký điện tử đối với khách hàng trên hợp đồng online; chấp thuận sử dụng chữ ký điện số nội bộ đối với tài liệu nội bộ thay cho việc “ký tươi”; lưu trữ trên hệ thống và chỉ in ra đóng dấu đơn vị quản lý để cung cấp cho đơn vị thanh tra/kiểm tra khi cần thiết.
VNBA cũng đề nghị có hướng dẫn về cách thức xác lập thỏa thuận cho vay trên các kênh trực tuyến, cho phép các TCTD được quyết định áp dụng cơ chế xác lập thỏa thuận cho vay với khách hàng trên kênh trực tuyến với điều kiện đảm bảo có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận cho vay.
Từ góc độ khác, theo ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE Credit, để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, đề nghị NHNN bổ sung quy định cho phép TCTD được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng.
Đại diện Techcombank đề nghị, cần có quy định riêng, cụ thể hơn đối với cho vay bằng phương thức điện tử. “Không chỉ hoạt động cho vay nhỏ lẻ mà rất nhiều hoạt động tại các ngân hàng đang áp dụng khoa học dữ liệu và các mô hình tính toán được dựa trên dữ liệu thống kê để trợ giúp cho quá trình tìm kiếm khách hàng, xây dựng sản phẩm, thẩm định và ra quyết định tín dụng đối với các khoản vay… Do đó, cần có quy định rõ hơn cho cả quá trình này”, đại diện Techcombank nhấn mạnh.
Từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, mục tiêu của NHNN là ban hành khung pháp lý chung về hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Trên tinh thần đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung đều đưa các nguyên tắc cơ bản nhất. Trên cơ sở đó, TCTD tự đưa ra các hướng dẫn, quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của từng TCTD cũng như đặc thù của các nhóm khách hàng và khẩu vị rủi ro của TCTD.
“Riêng đối với quy định cho vay bằng phương thức điện tử, cơ quan soạn thảo mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất; từ đó, các TCTD có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này”, bà Hằng nói.