Hoa hậu Phương Nga tiếp tục bị điều tra. |
Ngày 14/1, thông tin từ Viện KSND TPHCM cho biết, sau thời gian nghiên cứu hồ sơ thì cơ quan này đã quyết định chuyển hồ sơ vụ Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thuỳ Dung (sinh năm 1988, bạn Nga) về Công an TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ.
Chuyển tội danh là có căn cứ
Sau hơn nửa năm phục hồi điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra kết luận điều tra bổ sung. Theo đó, sau khi xem xét lại toàn bộ lời khai, chứng cứ và những tài liệu liên quan đến vụ án, Công an TPHCM cho rằng hành vi của các bị can có dấu hiệu của điều 267 Bộ Luật Hình sự năm 1999 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng có thể miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật Hình sự năm 2015 (thêm dấu phẩy) từ đó đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với Nga, Dung.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ của Công an TPHCM, Viện KSND TPHCM đã ra Quyết định trả hồ sơ vụ án cho Công an TPHCM nghiên cứu, điều tra lại.
Viện KSND TPHCM xem xét nhận định của Công an TPHCM là có căn cứ, tuy nhiên chuyển tội danh từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì Viện KSND TPHCM đề nghị công an cùng cấp thận trọng khi miễn trách nhiệm hình sự đối với hai bị can này.
Sau khi nghiên cứu kết luận điều tra của Công an TPHCM, nhận thấy tài liệu, chứng cứ thu thập được đã chứng minh Phương Nga đã có hành vi sử dụng tài liệu "Di chúc" được đóng bằng con dấu giả của doanh nghiệp tư nhân khách sạn Phi Phi Vũ Trâm Anh, để nộp cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Nội dung bản di chúc là bà Lương Thị Kim Phi - chủ căn nhà số 7 Nguyễn Trãi, quận 1 - để lại di sản thừa kế cho ông Nguyễn Văn Yên. Sau đó, ông Yên mua bán căn nhà với Phương Nga, Thùy Dung để đối phó với công an. Do đó, cơ quan điều tra chỉ xác định thời điểm tạo lập văn bản thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi là có sau thời điểm ông Mỹ chuyển tiền lần cuối vào ngày 4/11/2013.
Hơn nữa, Phương Nga và Thùy Dung thừa nhận có nhận 16,5 tỉ đồng do ông Mỹ chuyển; cho biết là người tạo dựng các giấy tờ giả với nội dung chuyển nhượng di sản thừa kế (nhưng sau khi đã nhận tiền và bị ông Mỹ tố giác), tạo ra các tài liệu đã trả lại 16,5 tỉ đồng cho ông Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, Phương Nga và Thùy Dung đều thừa nhận chưa trả tiền cho ông Mỹ nên chưa thể quy kết dấu hiệu gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Từ lập luận này, Viện KSND TPHCM nhìn nhận hai bị can Phương Nga, Thuỳ Dung có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, nên việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị thay đổi tội danh của Nga, Dung từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là có căn cứ.
Nên thận trọng khi miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức nếu Nga và Dung bị xử lý khoản 1 tội này thì mức án của khung hình phạt cao nhất chỉ 2 năm tù.
Trong khi đó, ngày 19/11/2014, Công an TPHCM ra Quyết định khởi tố vụ án, đến ngày 17/3/2015, Viện KSND TPHCM phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can thì Nga và Dung đã bị tạm giam 2 năm 3 tháng là vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều khoản này. Chính vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra thận trọng xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can này.
Cùng ngày, Viện KSND Tối cáo xác nhận đã nhận được báo cáo về toàn bộ vụ án từ Viện KSND TPHCM. Cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi quá trình tố tụng của vụ án.
Theo cáo buộc, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỉ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.
Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỉ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga thêm 10,5 tỉ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng cộng 16,5 tỉ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.