Hồ Chí Minh và khát vọng nâng cao vị thế quốc gia

(BĐT) - Định vị quốc gia trên trường quốc tế là một nội dung quan trọng trong tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là hệ thống quan niệm về mục tiêu, phương thức xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, chẳng những có giá trị chỉ đạo thực tiễn trước đây, mà còn là kim chỉ nam cho nền ngoại giao cách mạng của Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Từ rất sớm, Bác Hồ tuyên bố: “Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” trên cơ sở “toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”
Từ rất sớm, Bác Hồ tuyên bố: “Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” trên cơ sở “toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”

Sinh thời Bác Hồ luôn khẳng định, cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới và phải gánh trọng trách chung của cách mạng thế giới vì mục tiêu của thời đại: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5/9/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam châu Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”.

Trước đó, trong Thư cảm ơn, viết ngày 20/5/1950 đăng Báo Cứu quốc, số 1563, ngày 2/6/1950, Người viết: “Trong thời kỳ ta đang chuẩn bị để tiến mạnh sang tổng phản công, ta đã tranh được một thắng lợi chính trị rất to: Trung Quốc, Xô Liên và các nước dân chủ mới đã thừa nhận ta. Thế là trong lịch sử, địa vị nước ta trên trường quốc tế chưa bao giờ vẻ vang như bây giờ. 800 triệu bầu bạn đang nhìn vào chúng ta, đang mong chờ chúng ta thắng lợi, và chắc chúng ta sẽ thắng lợi”. Tiếp đó, trong Bài nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957, Người khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc kháng chiến chống Pháp: “Chính nhờ ta kháng chiến thắng lợi mà địa vị của Việt Nam ngày càng được đề cao trên trường quốc tế. Vì ta kháng chiến thắng lợi nên kẻ thù là bọn đế quốc căm ghét chúng ta. Nhưng trái lại, nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới càng kính phục nhân dân Việt Nam”.

Để đạt được “mục tiêu kép”, theo Người, Việt Nam không thể không đi theo con đường cách mạng vô sản để thực hiện nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời, sự nghiệp phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới thành công.

Tổng kết 35 năm Đảng lãnh đạo cách mạng, trong bài “Thật là vẻ vang!” đăng trên Báo Nhân Dân, số 4183, ngày 17/9/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển”.

Về phương thức xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, theo Người, trước hết, một mặt, phải xây dựng và phát huy sức mạnh của nội lực, bởi theo Người: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Mặt khác, phải tăng cường mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”; phải giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, tự lực, tự cường… Vì vậy, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” trên cơ sở “toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Khẳng định Việt Nam là một “bộ phận trong phe hòa bình và dân chủ thế giới”, Người xác định chính sách đối ngoại của nước ta là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. 

Hợp tác toàn diện, song phải giữ vững độc lập, tự chủ, nhất là phải có trọng tâm, trọng điểm; vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”; đồng thời, phải coi độc lập về kinh tế là quan trọng nhất. Ý thức độc lập, tự cường, tự lực cánh sinh trong tư tưởng của Người đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thứ hai, phải tuân thủ 5 nguyên tắc vàng trong quan hệ quốc tế. Trong Lời phát biểu khi đến sân bay Bắc Kinh, ngày 25/6/1955, Người nhấn mạnh 5 nguyên tắc đó là: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hòa bình toàn thế giới”. Đồng thời, phải giữ vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong quan hệ đối nội, đối ngoại để giữ vững vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Do đó, trước khi lên đường thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về định vị quốc gia trên trường quốc tế đã đặt nền móng và là cơ sở gây dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Là một đất nước đã từng trải qua chiến tranh, chia cắt, chúng ta thấu hiểu hơn ai hết giá trị thiêng liêng của việc bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, xác lập và giữ vững vị thế xứng đáng của Việt Nam trên trường quốc tế. Thấu triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, 90 năm qua, Đảng ta đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu và tiến hành nhiều phương thức để xây dựng, củng cố và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, chúng ta đã giữ được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Thứ hai, công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, công tác đối ngoại góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thứ tư, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, bước sang năm 2020, Việt Nam chính thức vinh dự đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021…

Những thành tựu trên là minh chứng sinh động của đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về định vị quốc gia trên trường quốc tế của nền ngoại giao cách mạng thời đại mới.

Chuyên đề