Doanh thu hai sản phẩm bán trong nước sụt giảm mạnh nhất của Công ty CP Hùng Vương là nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Ảnh: Thùy Anh |
Theo đó, Hùng Vương đã thoát lỗ quý I/2018 nhờ thoái vốn thành công khỏi Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, đồng thời loại bỏ hơn 976 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn của Thực phẩm Sao Ta ra khỏi báo cáo tài chính. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Hùng Vương lại có dấu hiệu đi xuống.
Thoát lỗ nhờ thanh lý đầu tư vào công ty con
Theo Báo cáo tài chính quý I/2018 của Công ty CP Hùng Vương, doanh thu thuần của Công ty đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 53% so với quý I/2017. Trong đó, doanh thu xuất khẩu và doanh thu nội địa lần lượt đạt 1.077 tỷ đồng và 1.688 tỷ đồng, giảm tương ứng 44,5% và 56,4% so với quý I/2017.
Doanh thu hai sản phẩm bán trong nước sụt giảm mạnh nhất là nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (đạt 182 tỷ đồng, chỉ bằng 16,3% so với quý I/2017) và thủy sản (đạt 649 tỷ đồng, bằng 43,7% so với quý I/2017). Bên cạnh đó, do chi phí giá vốn hàng bán quý I/2018 chỉ đạt hơn 2.699 tỷ đồng đã làm cho lợi nhuận gộp của Công ty chỉ đạt vỏn vẹn 0,37 tỷ đồng, bằng 0,12% so với lợi nhuận gộp quý I/2017 (hơn 306 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp quý I/2018 của Hùng Vương vì thế chỉ còn 0,014% (quý I/2017 là 5,3%).
Với lãi gộp chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng, nếu trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng thì lợi nhuận quý I/2018 của Hùng Vương bị âm nặng.
Cứu cánh cho kết quả kinh doanh của Công ty CP Hùng Vương đến từ doanh thu tài chính. Cụ thể, doanh thu tài chính quý I/2018 của Công ty tăng mạnh lên 216,5 tỷ đồng (so với 15 tỷ đồng của quý I/2017). Nguyên nhân dẫn đến doanh thu tài chính tăng mạnh là do trong kỳ Hùng Vương ghi nhận khoản lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty con là 213 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là khoản lãi từ việc Hùng Vương thoái toàn bộ 54% vốn (tương đương 21,16 triệu cổ phần) tại Thực phẩm Sao Ta – con gà đẻ trứng vàng nhiều năm qua của Hùng Vương, cho Công ty Quản lý quỹ SSI và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre. Kết quả lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2018 của Hùng Vương đạt 7 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ 2017.
Thoái vốn để giảm gánh nặng nợ nần
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hùng Vương đạt hơn 6.036 tỷ đồng, giảm 22% so với thời điểm 1/10/2017. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 5.287 tỷ đồng, giảm 1.782 tỷ đồng (tương đương 25%). Còn nợ dài hạn là hơn 748 tỷ đồng, tăng 11%. Nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng nợ vay của Hùng Vương giảm mạnh chỉ trong 3 tháng là do Công ty không phải hợp nhất các khoản nợ của Thực phẩm Sao Ta trong báo cáo tài chính. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ vay (toàn bộ là vay nợ ngắn hạn) của Thực phẩm Sao Ta là gần 976,5 tỷ đồng.
Trong thời gian sắp tới, cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu lại các khoản nợ vay, Hùng Vương sẽ thực hiện thoái trên 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và giao dịch dự kiến được hoàn tất trước 15/02/2018. Đây chính là doanh nghiệp đang vay nợ nhiều nhất trong số các công ty con của Hùng Vương.
Tại thời điểm 31/12/2017, Việt Thắng còn gần 1.597 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 528,8 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Như vậy, nếu thoái vốn thành công khỏi Việt Thắng thì Hùng Vương có thể loại toàn bộ số nợ vay 2.125 tỷ đồng ra khỏi báo cáo tài chính của mình.
Tuy nhiên, thương vụ thoái vốn khỏi Việt Thắng của Hùng Vương nhiều khả năng sẽ gặp khó do không chỉ có tình hình tài chính khó khăn mà kết quả kinh doanh của Việt Thắng trong thời gian gần đây cũng đang theo chiều hướng tiêu cực. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của năm tài chính 2017 (1/10/2016 - 30/9/2017) của Việt Thắng âm 375,7 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế quý I/2018 âm 62,6 tỷ đồng. Điều này đã làm cho tổng lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2017 là hơn 292 tỷ đồng.
Mất Thực phẩm Sao Ta - công ty con có hiệu quả kinh doanh hàng đầu trong hệ thống của Hùng Vương, có lẽ vấn đề trong thời gian tới mà Hùng Vương phải giải quyết là cải thiện hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, phải thực hiện thoái vốn thành công khỏi Việt Thắng để giảm gánh nặng nợ nần.