Hiệp hội Năng lượng đề nghị thực hiện giá mua điện các dự án điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2 - 4 vùng) để tránh tình trạng quá tải đường dây. Ảnh: Tâm An |
Đề xuất phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc
Theo Dự thảo, Bộ Công Thương đã thay đổi về giá mua điện mặt trời của các dự án nối lưới. Cụ thể, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScent/kWh; dự án điện mặt trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh; dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScent/kWh.
Giá mua điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có thời điểm vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá giữa VND với USD (tính tương đương UScent/kWh).
Theo Bộ Công Thương, thay đổi lớn nhất của dự thảo lần này là giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất đã thống nhất trong cả nước (chỉ một vùng) chứ không còn chia theo các kịch bản 2 vùng hoặc phương án 4 vùng (theo cường độ bức xạ) như các dự thảo trước đó.
Đáng chú ý, sau nhiều lần kiến nghị về mức giá điện mặt trời đối với các dự án tại tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này đã có được cơ chế riêng về giá. Tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất, đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh. Các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 áp dụng biểu giá mua điện 1.620 đồng/kWh cho dự án điện mặt trời mặt đất; 1.758 đồng/kWh với dự án điện mặt trời nổi.
Nguy cơ quá tải cục bộ tiếp diễn
Dù nhận xét biểu giá này hấp hẫn nhà đầu tư, cũng như ủng hộ chủ trương sớm phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2019, song Hiệp hội Năng lượng Việt Nam không đồng ý với đề xuất phương án 1 giá điện của Bộ Công Thương.
Đặc biệt, Hiệp hội đề nghị thực hiện giá mua điện các dự án điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng (2 - 4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước hiện nay. Theo Hiệp hội, cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kWh/m2/ngày, trong khi các tỉnh phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8 - 5,1 kWh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần), dẫn đến các dự án điện mặt trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, việc áp dụng giá mua điện theo nhiều vùng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các đơn vị vận hành hệ thống điện có nhiều lựa chọn trong việc tích hợp nguồn điện mặt trời với các loại hình nhà máy điện khác trong khu vực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Giá mua điện mặt trời theo nhiều vùng đã được nhiều quốc gia áp dụng.
Ngoài ra, nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Hiệp hội kiến nghị cho phép không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án điện mặt trời nối lưới kết hợp với sản xuất nông nghiệp; khuyến khích chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hợp tác với các hộ dân có quyền sử dụng đất thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện.