Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang đến cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, cơ hội bứt phá nhảy vọt. Ảnh: Lê Tiên |
TS. Tống Duy Sơn, Tập đoàn Simens TOM (Bỉ)
Ở nước ngoài, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển, họ nắm khá rõ xu hướng của cuộc CMCN 4.0 từ nhiều năm qua, theo đó họ đầu tư rất nhiều. Đây là xu thế gần như không thể thay đổi, buộc các công ty từ lớn đến nhỏ phải thay đổi để thích nghi với công nghệ mới. Trong cuộc cách mạng này, các công ty lớn có thể đầu tư rất nhiều tiền còn các công ty nhỏ có cơ hội start up. Tôi cho rằng, đây là thử thách khá thú vị cho tất cả mọi người làm công nghệ.
Tôi cho rằng, có lẽ là tác động của CMCN 4.0 với đời sống là chưa quá rõ rệt. Thế nhưng, cuộc cách mạng này đang tác động rất rõ ở ngành công nghiệp, nhất là trong các nhà máy. Điển hình như: phát triển xe tự lái, ứng dụng thông minh, ứng dụng điện toán đám mây… đã giúp phát triển nhiều sản phẩm với chất lượng tốt hơn, tối ưu hóa quá trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí.
Để Việt Nam có thể thành công trong CMCN 4.0, chúng ta rất cần các công ty lớn đầu tư nhiều cho phát triển, cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất. Đối với những người Việt ở nước ngoài muốn cống hiến, Chính phủ cần tạo lập môi trường tốt để họ thỏa sức sáng tạo.
Bà Phạm Khắc Hồng Hạnh, Chuyên gia về dữ liệu lớn (Big data) của Công ty Airbnb, Nhà đồng sáng lập startup (Mỹ)
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng rất quan trọng. Do vậy, từ các cấp lãnh đạo cho tới nhân viên cần phải hiểu và ý thức được thực sự CMCN 4.0 là gì, liên quan đến ngành của mình như thế nào để có thể có những định hướng đúng đắn. Vì nếu không đủ hiểu biết thì dễ dẫn đến việc đi theo trào lưu, xu hướng của thế giới. Điều này rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến đầu tư sai.
Như tôi đề cập, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng rất quan trọng, có thể mang đến nhiều cơ hội cho các nước biết tận dụng để có những bước phát triển nhảy vọt. Vì thế, để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong CMCN 4.0, theo tôi, cần có chiến lược cho vấn đề này.
Cụ thể, trong ngắn hạn, ngay sau khi tuần lễ khởi động Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 kết thúc, chúng tôi bắt tay ngay vào việc triển khai các hoạt động hợp tác giữa các bên ở những dự án có tính khả thi cao nổi lên trong các cuộc trao đổi, làm việc.
Về trung hạn, Việt Nam rất cần đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra một cách vững chắc. Trên thực tế, những nền móng vững chắc cho CMCN 4.0, Việt Nam đang thiếu không ít. Nếu chúng ta không xây dựng được các nền móng này thì khó có thể thành công.
Và về dài hạn, chắc chắn Việt Nam phải đầu tư cho giáo dục. Cho dù đầu tư cho giáo dục không thể đòi hỏi một sớm một chiều có thể mang lại kết quả, nhưng không thể không làm nếu muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi đầu tư, chúng ta không chỉ đầu tư cho giáo dục đại học mà phải đầu tư từ các cấp học thấp hơn, bởi nếu chỉ đầu tư tri thức về khoa học công nghệ riêng cho cấp đại học thì e rằng sẽ là quá muộn.
PGS. Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản
Hiện Nhật Bản có nhiều người Việt làm việc trong các trường đại học hàng đầu như GS. Hồ Tú Bảo, GS. Trần Văn Thọ. Nhiều nghiên cứu viên, kỹ sư đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn. Việc xây dựng mạng lưới là cơ hội để họ ngồi gần nhau trao đổi, hướng tới tương lai. Để kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam không có gì tốt hơn là để các nhà khoa học kết nối trao đổi các vấn đề về học thuật và đẩy mạnh kết nối trong tương lai.
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam muốn thành công cần phải đảm bảo yếu tố là sự nhiệt huyết muốn đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước từ các trí thức Việt ở ngoài nước. Công thức thành công sẽ là phép nhân trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước. Trong đó, Chính phủ là cầu nối, tạo ra chính sách hiệu quả.
Thực tế cho thấy, trong cuộc cách mạng này, nhiều nước đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, đến nay những ứng dụng robot vào thị trường Việt Nam chưa có nhiều. Theo đó, chúng tôi đang đào tạo cho các sinh viên Việt Nam, hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi rất hi vọng, công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Văn Nhật, Tập đoàn Egis (Pháp)
Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và tác động đến nền công nghiệp và kinh tế trên thế giới. Một số nước phát triển đã ban hành các chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 của riêng mình. Điển hình như: Liên minh Internet công nghiệp ở Mỹ, Chiến lược Industry 4.0 ở Đức, Made in China 2025 ở Trung Quốc... CMCN 4.0 dự đoán sẽ thay đổi thế giới thực sang thế giới số trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại thì sức nóng của nó đã lan tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng dự đoán không phải tuyến tính mà là cấp số mũ, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, rút ngắn khoảng cách kinh tế với các nước hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên cơ hội sẽ đi kèm với thách thức và rủi ro. Chúng ta cần phải chuẩn bị tốt để không lỡ chuyến tàu này.
Nếu không muốn lỡ cơ hội này, Việt Nam cần phải xây dựng cho mình đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, chúng ta cần phải tiến hành đào tạo tập trung vào công nghệ thông tin với các ngành chủ đạo như AI, Big data, Machine learning, Data meaning... không chỉ ở bậc đại học mà từ cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, đây là con đường dài, vì thế rất cần có một chiến lược tổng thể từ Chính phủ cho đến trường học.
Hiện tại khung pháp lý ở Việt Nam chưa phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là cho CMCN 4.0. Vì vậy, chúng ta cần có một khung pháp lý chặt chẽ cho môi trường khởi nghiệp sáng tạo, khai thác dữ liệu chung, kinh doanh công nghệ. Ban hành các chính sách đẩy mạnh thu hút nhân tài như Chương trình Vietnam Innovation Network, tạo mạng lưới nguồn nhân lực người Việt trên toàn thế giới, cùng chung tay cho các dự án quốc gia và khởi nghiệp. Các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tạo môi trường và hỗ trợ tối đa cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cũng như có thể tập trung một lượng dữ liệu lớn, rất cần thiết cho khởi nghiệp sáng tạo.
Sandy Hoa Dang, Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (Mỹ)
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Với sự thay đổi liên tục của khoa học - công nghệ và nền kinh tế toàn cầu, chúng ta phải thích nghi để tồn tại và phát triển trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt. Muốn vậy, phải không ngừng quan tâm, đổi mới hệ thống giáo dục cho phù hợp với thời đại, tránh lạc hậu, tụt hậu. Quỹ của chúng tôi cấp học bổng giúp đào tạo hàng trăm người Việt ở nước ngoài trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Những người được nhận học bổng từ Quỹ đều rất giỏi, đặc biệt họ rất tâm huyết và mong muốn tìm cách nào đó có thể về đóng góp xây dựng Việt Nam. Trong số này, có rất nhiều người có nguyện vọng muốn về quê hương làm việc, thế nhưng họ gặp khó khăn. Do vậy, muốn thu hút được nhiều người tài về làm việc, đóng góp cho quê hương mình thì chúng ta phải có được môi trường tốt cho họ thỏa sức cống hiến, sáng tạo.
Bên cạnh thu hút người tài về nước cống hiến, Việt Nam cũng phải đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục. Thông qua giáo dục, Việt Nam có thể tạo ra cơ hội cho những người trẻ tuổi để góp phần phát triển bền vững, lâu dài và tăng trưởng mạnh mẽ. Khi được chuẩn bị đầy đủ về tri thức, đặc biệt ở các mảng khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học… sẽ nắm trong tay chìa khóa mở ra thế giới và cải thiện cuộc sống của họ.
GS. TS. La Mạnh Hùng, Đại học Nevada (Mỹ)
Khi trở về lần này, điều làm tôi bất ngờ là ai cũng nói về CMCN 4.0. Ở Mỹ CMCN 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo). Tuy chúng ta nói nhiều đến CMCN 4.0, nhưng tìm hiểu tôi thấy Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố trọng yếu cho cuộc cách mạng này, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cao. Tôi chưa thấy một lộ trình rõ ràng.
Tại Mỹ, cách đây khoảng 6 - 7 năm, Tổng thống nước này chính là người khởi tạo lại Chương trình robotics, bởi ông nhận thấy đây là yếu tố quan trọng để Mỹ xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, nếu không, họ khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong vấn đề nguồn nhân công giá rẻ. Mỹ đã xây dựng một chương trình sản xuất tiên tiến với ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đến nay, chương trình này đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở nước ta, tôi chưa thấy có một chương trình nào của Chính phủ về robotics trong sản xuất. Trong khoảng 20 - 30 nữa, dân số Việt Nam sẽ không còn dồi dào như hiện nay, và đây là thách thức. Hơn nữa, các ông chủ cũng không thể trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ nhân viên đông đảo từ việc lớn đến việc nhỏ mà thay vào đó là sử dụng các robot. Theo tôi, phải chăng Chính phủ cùng các bộ ban ngành nên ngồi lại và xem xét vấn đề có nên phát triển robotics để xây dựng nền sản xuất tiên tiến và cạnh tranh hay không. Chương trình sản xuất tiên tiến là các robot thông minh có thể hiểu mình và cùng làm việc với con người. Nếu chúng ta có được chương trình sản xuất tiên tiến - đây là một điều tuyệt vời và chắc chắn Việt Nam sẽ đi đầu, bởi hiện nay nhiều nước cũng đang bắt đầu trong CMCN 4.0.