“Hết cửa” cho nhà thầu cố tình không làm rõ HSDT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, thời gian gần đây, phổ biến tình trạng nhà thầu không trả lời khi được bên mời thầu (BMT) yêu cầu làm rõ các nội dung của hồ sơ dự thầu (HSDT). Điều này cho thấy thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp của nhà thầu, đồng thời gây ra nhiều bất cập trong đấu thầu.
Thời gian gần đây, phổ biến tình trạng nhà thầu không trả lời khi được BMT yêu cầu làm rõ các nội dung của HSDT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Thời gian gần đây, phổ biến tình trạng nhà thầu không trả lời khi được BMT yêu cầu làm rõ các nội dung của HSDT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, Công ty TNHH Gia Phú Hào (BMT) đã công bố báo cáo đánh giá HSDT Gói thầu số 05 Thi công xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng cầu, đường giao thông nông thôn ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh (cầu tre). Theo báo cáo này, Công ty CP Xây dựng kỹ thuật hạ tầng Thăng Long “không cung cấp được 1 hợp đồng xây lắp có giá trị > 407.815.000 đồng, là đường bê tông không cốt thép, đá 1x2, M250. Nhà thầu không cung cấp bổ sung tờ khai xác nhận thuế và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế đến thời điểm đóng thầu hoặc đến hết ngày 31/12/2021”. Đối với nhân sự chủ chốt, Nhà thầu cũng không bổ sung thêm các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của BMT. Gói thầu sau đó đã thuộc về Hợp tác xã Nông nghiệp Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phước Thành với giá 1.608.723.000 đồng (giá gói thầu 1.628.221.271 đồng).

Tại Gói thầu số 10 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn ấp Hòa Lạc C, xã Lương Hòa A (A5), sau khi BMT phát hành văn bản yêu cầu làm rõ HSDT, Công ty CP Xây dựng Minh Phúc không giải trình các nội dung như doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng; chứng chỉ của nhân sự chủ chốt; thiết bị thi công. Kết quả là Công ty TNHH MTV Xây dựng Lương Hòa trúng thầu sát giá gói thầu.

Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Gói thầu số 09 Tư vấn khảo sát, cắm ranh mốc giải phóng mặt bằng, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình có 3 nhà thầu tham gia. Tuy nhiên, 2 nhà thầu là Công ty CP Tư vấn xây dựng Bạc Liêu, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng hạ tầng miền Tây đều không trả lời yêu cầu làm rõ HSDT của BMT. Cuối cùng, Liên danh Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Nam Quốc - Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Phương Bắc trúng thầu với giá 4.462.992.000 đồng (giá gói thầu 4.551.189.409 đồng).

Công ty CP Công nghệ Remy Việt Nam cũng là một nhà thầu thường trúng thầu tại những gói thầu mà đối thủ không phúc đáp yêu cầu làm rõ HSDT từ BMT. Cụ thể, tại Gói thầu TB-01 Mua sắm hệ thống thiết bị lọc nước cho các trường học trong địa bàn huyện Hồng Dân - Bạc Liêu (giai đoạn 2), Remy Việt Nam trúng thầu với giá 3.626.590.000 đồng. Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật Toàn Thịnh bị loại do không đạt về năng lực, kinh nghiệm, tài chính sau khi không phúc đáp văn bản yêu cầu làm rõ HSDT của BMT. Đối thủ còn lại là Công ty CP Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa bị loại do năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm không đạt. Nhà thầu này cũng không phúc đáp yêu cầu làm rõ HSDT từ phía BMT.

Tại Gói thầu XL+TB-01 Mua sắm hệ thống thiết bị lọc nước cho các trường học trong địa bàn huyện Hồng Dân, Remy Việt Nam trúng thầu với giá 3.819.000.000 đồng. Hai nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật Toàn Thịnh lẫn Công ty CP Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa tiếp tục không trả lời văn bản yêu cầu làm rõ HSDT từ BMT, dẫn tới bị loại do không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm, tài chính và kỹ thuật.

Theo chia sẻ của chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, pháp luật về đấu thầu đã tạo cơ hội, tính chủ động rất lớn cho các nhà thầu cạnh tranh khi trao quyền tự làm rõ, bổ sung tài liệu liên quan để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi phát hiện các tài liệu của HSDT chưa hoàn chỉnh. Trái ngược với tinh thần này chính là hành vi không trả lời các văn bản yêu cầu làm rõ HSDT từ BMT của nhà thầu. Điều này dẫn tới môi trường đấu thầu thiếu chuyên nghiệp, thiếu cạnh tranh, có dấu hiệu của dàn xếp, “quây thầu”.

Theo đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bản Dự thảo Luật dự kiến đưa ra chế tài cấm thầu đối với nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh khi được BMT yêu cầu làm rõ HSDT, hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm mục đích dàn xếp cho nhà thầu khác trúng thầu. Nhiều nhà thầu cho rằng, nếu những quy định này được thiết lập, chất lượng, tính cạnh tranh và chuyên nghiệp của các cuộc thầu sẽ được nâng lên rất nhiều.

Chuyên đề