Mã QR được hứa hẹn nhiều tiềm năng cho người dùng. Ảnh nguồn NCB. |
Trong đó phải kể đến những đơn vị như: Pay VnExpress, VTVcab, SCTV, VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN, FPT, VTCPay, Bảo Kim, VBan.vn, Kangaroo, Garena, Bizweb, Taxi Thành Công, Taxi ABC, May Nhà Bè, Siêu thị điện máy Digicity, Thực phẩm Plaza, Delivery Now…
Đặc biệt tại thị trường Hà Nội mới đây, lần đầu tiên xuất hiện máy bán hàng tự động sử dụng công nghệ QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking do Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) kết hợp với các ngân hàng với mục đích xoá bỏ những rào cản về thanh toán bằng tiền mặt thông qua việc sử dụng mã QR.
Theo đó, với ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng quét mã VNPAYQR của sản phẩm trên máy bán hàng, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp sản phẩm cần mua. Còn với các đơn vị bán hàng, công nghệ mới có thể kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng. Các máy không cần lưu trữ tiền mặt, điều này đảm bảo an toàn.
Chỉ cần quét mã QR cạnh hình ảnh của sản phẩm trên máy bán hàng, người mua có thể thanh toán qua Mobile Banking.
Nhiều khách hàng cho hay: Thực tế tại Việt Nam đã có nhiều máy bán hàng tự động lắp đặt ở các địa điểm công cộng nhưng mặt hạn chế của những chiếc máy này là vẫn phải dùng tới tiền mặt. Thậm chí, một máy còn được cài đặt không trả lại tiền thừa, tiền lẻ cho khách gây ra nhiều bất tiện.
Đại diện Ngân hàng NCB nói: “Việc triển khai phương thức thanh toán QR Pay thông qua ứng dụng NCB Smart (Mobile Banking) sẽ hỗ trợ khách hàng chuyển khoản, thanh toán (nạp tiền, thanh toán hóa đơn) bằng cách quét/chụp mã QR để tận dụng tối đa tiện ích của công nghệ số, giảm thiểu các thao tác khi thanh toán cũng như hạn chế sai sót, rủi ro trong quá trình thanh toán bằng các phương thức truyền thống khác như tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.
QR Code hay còn gọi là mã phản ứng nhanh hoặc mã vạch ma trận (Matrix-barcode)- thường hiển thị dưới hình thức ô vuông màu đen trên nền trắng, chứa nhiều ký tự lạ chồng chéo. Một mã QR có thể mang được rất nhiều thông tin như: địa chỉ website (URL), thông tin liên hệ, tin nhắn, ký tự văn bản, thẻ ngân hàng… Thiết bị đọc mã QR khi quét sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu được lập trình như: thanh toán khi mua hàng, dẫn tới một trang web, thậm chí là gọi điện, nhắn tin…
“Mã QR được tạo trực tuyến cho từng đơn hàng hoặc sẽ được in sẵn cho từng sản phẩm, khách hàng chỉ cần quét mã QR qua các ứng dụng Mobile Banking và thanh toán nhanh tại tất cả các điểm bán hàng mà không cần dùng tiền mặt và không cần thẻ”, cán bộ NCB chia sẻ.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân- Phó Tổng Giám đốc VietinBank, xu hướng ngân hàng trực tuyến trên thiết bị di động ngày một phát triển. Dự báo năm 2018, tỷ lệ truy cập Internet từ mobile được dự báo sẽ là 50%. Không chỉ vậy, lượng tiêu thụ điện thoại thông minh tại Việt Nam cũng rất lớn. Năm 2013, tốc độ tiêu thụ điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam tăng 156%. Dự kiến đến năm 2020, số điện thoại thông minh tiêu thụ tăng 200%.
Vì vậy, với sự bùng nổ của công nghệ, thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển cùng với những chính sách đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ hứa hẹn sẽ khiến thanh toán trên thiết bị di động ngày một bùng nổ.
“QR Code được VietinBank triển khai trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile App dành cho thiết bị di động thông minh chạy trên nền tảng iOS, Android, Windows phone. Với QR Pay, cửa hàng tạo hóa đơn cần được thanh toán dưới hình thức QR code thay thế hóa đơn thông thường. Khách hàng quét mã QR và thanh toán nhanh tại các điểm bán hàng mà không cần tiền mặt, không cần thẻ”, đại diện VietinBank nói.
Theo ngân hàng này, thông tin cá nhân của khách hàng được mã hóa, không thể đọc được bằng mắt thường. Khách hàng có thể tăng hạn mức phù hợp khi số tiền giao dịch lớn và xác nhận giao dịch một cách dễ dàng; số tiền được thanh toán chính xác, không còn các vấn đề về tiền lẻ, tiền rách...