Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như được dẫn giải đến tòa. |
Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ ngân hàng Navibank.
Vụ án này được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tách ra từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2.
Cáo trạng thể hiện để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền cho ngân hàng để gặp gỡ một số cá nhân, đơn vị về việc nhận tiền gửi của họ với lãi suất cao.
Huyền Như đã thỏa thuận với Đoàn Đăng Luật - trưởng phòng nguồn vốn Navibank về việc Navibank gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất ngoài hợp đồng. Cụ thể, lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm.
Phần lãi chênh lệch này được Huỳnh Thị Huyền Như trả cho Navibank ngay sau khi ngân hàng này gửi tiền mà không đợi đến hạn thanh toán hợp đồng tiền gửi.
Sau khi thỏa thuận xong, Hội đồng tín dụng của NaviBank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên để các nhân viên này đi gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào tài khoản, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để chuyển tiền đi trả các khoản nợ cá nhân của Như. Thực chất số tiền này là do Huỳnh Thị Huyền Như huy động nhằm mục đích chiếm đoạt.
Để lừa đảo được tiền, Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng rất nhiều thủ đoạn như thay bộ hồ sơ của 14 nhân viên Navibank bằng hồ sơ do Như lập và làm giả chữ ký.
Từ tháng 11-2010 đến tháng 7-2011, Navibank cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.500 tỉ đồng để gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP. HCM. Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75 tỉ đồng, trong đó có hơn 24 tỉ đồng là lãi chênh lệch ngoài hợp đồng.
Đến hạn tất toán, NaviBank nhận được hơn 1.300 tỉ đồng tiền gốc, số tiền 200 tỉ đồng còn lại đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
10 bị cáo là cán bộ ngân hàng NaviBank đều bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng Huỳnh Thị Huyền Như bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đã được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.