Hà Văn Thắm khai gì về cuộc gặp với Đinh La Thăng?

Xuất hiện tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm với tư cách nhân chứng, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã có lời khai về quá trình thương thảo việc góp vốn của PVN.
Ông Hà Văn Thắm tại phiên tòa xử ông Đinh La Thăng sáng 20/3/2018.
Ông Hà Văn Thắm tại phiên tòa xử ông Đinh La Thăng sáng 20/3/2018.

Oceanbank không yếu kém

Theo ông Hà Văn Thắm, năm 2008, Oceanbank có nhu cầu tăng vốn điều lệ. Giữa PVN và Oceanbank đã có cuộc gặp trao đổi về việc PVN đầu tư góp vốn trở thành cổ đông chiến lược.

Đối với báo cáo đánh giá các yếu kém của Oceanbank, ông Hà Văn Thắm cho rằng, việc này liên quan đến các công thức tính toán mà trọng yếu nhất là 2 chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ dự trữ dự phòng. Theo đúng tiêu chuẩn mà PVN đánh giá, thì Oceanbank phải trích lập thêm hơn 64 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lúc đó vốn điều lệ của Oceanbank là 1.000 tỷ đồng - mức vốn tối thiểu nên không thể trích lập thêm. Nhưng nếu Oceanbank tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, thì hoàn toàn giải quyết được vì có thể trích lập thêm.

“Với đánh giá này, tôi chắc chắn là PVN sẽ đầu tư góp vốn vào Oceanbank”, ông Thắm nói.

Về cuộc gặp có bị cáo Đinh La Thăng, ông Thắm khai: “Tôi được anh Thăng nói rõ giá cổ phiếu dứt điểm là 1 chấm chứ không phải 2 chấm. Anh Thăng nói, nếu muốn kiếm lời thì kiếm lời từ sự hợp tác với PVN chứ không thể kiếm lời từ việc bán cổ phiếu giá cao. Việc thứ hai là phải tiếp nhận nhân viên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt và cơ sở vật chất. Phải ký văn bản thỏa thuận như một văn bản ghi nhớ để cả hai bên về báo cáo”.

“Anh Thăng bảo tôi, cậu ký là phải chắc chắn làm thì tớ mới báo cáo”, ông Thắm kể.

Không báo cáo vì không có gì thay đổi

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro.

PVN đã có văn bản yêu cầu Oceanbank cung cấp số liệu tài liệu nhưng Oceanbank không gửi.

Trả lời về việc này, ông Thắm cho biết, Oceanbank đã giao toàn bộ số liệu đến 30/6 cho Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt. Văn bản yêu cầu kiểm tra 2 chỉ tiêu chính là tín dụng và chứng khoán sẵn sàng để bán. Nhưng Oceanbank đã dừng cho vay đến từ 30/6 - 30/9 nên về cơ bản chỉ tiêu không có gì thay đổi.

Về chứng khoán sẵn sàng để bán, trên BCTC có mấy trăm tỷ đồng. Do hệ thống báo cáo của ngân hàng thì chứng khoán và chứng từ có giá nhập chung. Thực ra đó là trái phiếu. Oceanbank không đầu tư cổ phiếu.

Văn bản của Bộ Tài chính là khuyến cáo không bắt buộc báo cáo nên không báo cáo, vì không có gì thay đổi.

Về thỏa thuận góp vốn giữa PVN và Oceanbank do Hà Văn Thắm và bị cáo Đinh La Thăng ký, ông Thắm khai, bản thỏa thuận này là do PVN chuẩn bị và được PVN sử dụng khi đàm phán với nhiều ngân hàng khác.

Ông Thắm khai, sở dĩ biết được việc này là do trên văn bản thỏa thuận còn chưa sửa hết, có chỗ còn có tên Ngân hàng Thái Bình Dương (Pacific).

Theo ông Thắm, việc PVN góp vốn là nguyên nhân chính đem lại sự phát triển của Oceanbank trong những năm sau đó. Theo ông Thắm, Kết luận thanh tra năm 2012 chỉ nói là ngân hàng có thể bị lỗ, khi đó chính Trưởng đoàn thanh tra thông báo kết luận có thể bị lỗ là căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước đang áp dụng.

Các tiêu chuẩn này theo chủ trương trong vòng 10 năm tới sẽ áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam, thực tế đến nay vẫn chưa áp dụng. Vì vậy, thanh tra không yêu cầu Ngân hàng thay đổi báo cáo, vẫn chấp nhận BCTC của Ngân hàng, cũng như báo cáo kiểm toán của Delloite và không yêu cầu truy thu cổ tức đã chia cho cổ đông.

“Bản chất Ngân hàng có yếu kém không? Chúng tôi đã báo có 14.000 tỷ đồng nợ xấu đó đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng, nợ xấu đã nêu trong vụ án của tôi chỉ còn hơn 4.000 tỷ đồng”, ông Thắm nói.

Cũng theo ông Thắm, cơ quan thanh tra cứ thấy bảng tín dụng vướng là họ trích lập hết. Nhưng cho vay thì còn tài sản bảo đảm. Khoản nợ xấu nhất là khoản nợ của Công ty Trung Dung, tòa đã tuyên bà Hứa Thị Phấn phải trả. Ngay cả khi bà Phấn không thực hiện thì Ngân hàng vẫn thu được từ tài sản thế chấp.

"Theo giám định là hơn 100 tỷ đồng, nhưng thực tế phải được 200 tỷ đồng. Tôi rất mong xem xét lại vì liên quan đến rất nhiều vấn đề”,  ông Thắm nói.

Chuyên đề