Nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn được bảo đảm. |
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, gần đây nhất là việc Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
NGUỒN CUNG VẪN ĐẢM BẢO
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã trao đổi với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội. Do có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối và có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống.
Hiện các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế. Do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn được bảo đảm.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối (ngoài một số điểm bán hàng của Vincomerce gồm 08 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng Vinmart+ đang tạm dừng hoạt động để xử lý các biện pháp phòng chống dịch đã được Công ty Vincomerce công bố cụ thể), hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường.
Sở Công Thương nhận định, nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, thời gian vừa qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND (ngày 23/7/2021).
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm vụ vận tải, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.
BỔ SUNG PHƯƠNG ÁN CUNG ỨNG HÀNG HÓA
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh và duy trì hoạt động tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ cũng đã trao đổi và yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như BRG, Aeon, BigC, MM Megamarket…), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn số 5858/BYT-MT hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.
Ngay trong ngày 2/8, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4648/BCT-TTTN về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương.
Triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh.
Mặt khác, có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19.
Rà soát kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.