Hà Nội: Hiệu thuốc gặp khó khi lấy thông tin 'người mua thuốc cảm'

Nhiều nhân viên bán thuốc phản ánh khó lấy thông tin người mua do thuốc cảm, ho, sốt không nằm trong danh mục bán theo đơn.
Khách đến mua thuốc tại một cửa hàng trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân hồi tháng 3
Khách đến mua thuốc tại một cửa hàng trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân hồi tháng 3

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hà Nội ngày 13/4, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu ngành y tế cần thông tin đến các hiệu thuốc về trách nhiệm báo cáo với chính quyền sở tại những trường hợp "mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt trong thời gian qua"; đồng thời đề nghị những người này "khai báo y tế ngay lập tức". 

Một ngày sau chỉ đạo trên, ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, đơn vị đã gửi thông báo tới hơn 6.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn.

Qua khảo sát, nhiều hiệu thuốc cũng cho biết đã nhận được đề nghị của thành phố và bắt đầu thực hiện. Chị Lê Thị Phương, 25 tuổi, nhân viên hiệu thuốc trên đường Trần Cung (Cầu Giấy) xếp trên quầy một tập giấy trắng để ghi thông người đến mua thuốc cảm, ho, sốt.

"Mấy ngày trước trời trở lạnh, nhiều người mua thuốc ho dạng siro, hôm nay (14/4) chưa thấy ai. Việc ghi lại thông tin giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhưng cũng gây tâm lý e ngại, có thể khách muốn mua thuốc nhưng không dám vào hỏi", chị Phương nói.

Trong 3 giờ chiều 14/4, hơn 20 khách vào hiệu thuốc của chị Phương, hầu hết mua nước sát khuẩn tay, cồn, khẩu trang, một số mua thuốc theo đơn.

Tại Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu (còn gọi là chợ thuốc Hapulico) trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), các quầy thuốc đã yêu cầu người mua cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại.

"Chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của thành phố, là ghi những mục nào, gửi đi đâu nên tạm thời lấy thông tin cơ bản. Nếu khách không cung cấp thông tin chúng tôi sẽ từ chối bán", chị Thanh, chủ một hiệu thuốc nói và cho hay đã ghi nhận được thông tin của 5 người mua thuốc ho.

Trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), một số quầy thông báo hết thuốc cảm, ho, sốt. "Rất khó để lấy thông tin của người mua, có trường hợp vào mua, tôi giải thích rằng cái này đơn giản để sàng lọc phòng dịch. Họ từ chối và bỏ đi luôn", chủ một hiệu thuốc chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Khải, yêu cầu nêu trên của thành phố không nhằm mục đích cấm hay hạn chế bán các loại thuốc cảm, ho, sốt mà "đây là giải pháp cấp bách để phòng dịch lây lan". Hiện các loại thuốc này được phép bán lẻ và sử dụng không có đơn của bác sỹ. Do vậy, nhân nhân viên bán lẻ phải tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, khai thác thông tin bệnh sử của người mua và yêu cầu khai báo y tế.

Với các trường hợp xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở, cơ sở bán lẻ thuốc cần báo ngay cho trạm y tế xã, phường hoặc trung tâm y tế để theo dõi, giám sát. "Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý hiệu thuốc không chấp hành theo quy định phòng, chống dịch bệnh", ông Khải nói.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đánh giá dịch Covid-19 đang "lây lan phức tạp ở cộng đồng". Vừa qua đã ghi nhận trường hợp như "bệnh nhân 243", "bệnh nhân 244" ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh), xuất hiện triệu chứng và tự mua thuốc uống, sau đó vẫn đi lại nhiều nơi, gặp nhiều người khiến dịch lan rộng.  

"Không phải trường hợp nào mua thuốc cảm, ho, sốt cũng phải cách ly hay lấy mẫu ngay. Nhưng việc khai báo y tế trung thực sẽ giúp bác sĩ tư vấn sàng lọc chính xác và bản thân mỗi người yên tâm hơn", ông Tuấn nói và cho rằng việc hiệu thuốc ghi lại thông tin người đến mua thuốc là cần thiết, để giúp cơ sở y tế địa phương phân loại.

Theo TS Trần Như Dương, Viện phó vệ sinh dịch tễ Trung ương, để xác định mức độ lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nội, nhà chức trách cần mở rộng xét nghiệm và giám sát y tế. Trường hợp chưa xét nghiệm được toàn bộ người sốt, ho, đau họng trên địa bàn toàn thành phố, Hà Nội có thể làm ở bước thấp hơn là giám sát toàn bộ chùm ca bệnh (2 người trở lên) có triệu chứng không rõ nguyên nhân, trong cùng gia đình hoặc khu phố.

"Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp không rõ nguyên nhân đều phải được coi là nghi ngờ nhiễm nCoV mà không cần xét đến yếu tố dịch tễ", ông Dương khuyến cáo.   

Đến sáng 15/4, cả nước ghi nhận 267 ca nhiễm Covid-19, 169 khỏi bệnh. Hà Nội đang là nơi ghi nhận số người nhiễm cao nhất cả nước với 129 ca.     

Chuyên đề