Tuyến buýt nhanh vào giờ cao điểm sáng 27/3 có khoảng 20 lượt khách |
Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm điều hành và quản lý giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc giảm tần suất và thời gian chạy xe buýt áp dụng trên tất cả các tuyến nội, ngoại thành. "Trước đây 5-10-15 phút một lượt xe chạy, thì nay 45-55-60 phút mới có một chuyến", ông Phương nói.
Ngoài ra, thay vì chạy từ 5h sáng đến 22h, từ hôm nay xe buýt chạy từ 6h sáng đến 20h hàng ngày.
Việc tạm dừng số lượng lớn xe buýt ở Hà Nội sẽ kéo dài đến ngày 5/4; sau đó tuỳ tình hình thực tế dịch bệnh, đơn vị chức năng sẽ đưa ra quyết định tiếp theo.
Theo quan sát tại bến Kim Mã, nơi hàng ngày xe buýt xếp hàng chật kín thì sáng nay chỉ có một xe đang chờ đến giờ đón khách.
Chờ ở bến hơn 30 phút không thấy xe tới, bác Nguyễn Thị Hoà ở Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ba Đình liên tục đứng lên, ngồi xuống, ngó ra ngoài cửa. Sau 40 phút, không thấy xe buýt cập bến nên bác Hoà đã về nhà lấy xe đạp để đi đến nhà con gái cách đó hơn 6 km.
Trạm trung chuyển Kim Mã hiện còn 3 xe buýt nhanh hoạt động, thay vì 26 xe như trước đây.
"Mọi lần chỉ 5-10 phút là có một chuyến nên tôi thường chọn xe buýt đi thăm con, thăm cháu cho tiện mà lại an toàn; nếu biết phải chờ lâu như thế này, tôi đã lấy xe đạp tự đi cho chủ động", bác Hoà chia sẻ.
Tài xế xe buýt nhanh Nguyễn Đình Hoàn cho biết, hằng ngày tuyến BRT có 26 xe buýt chạy luân phiên, cứ 10 phút có một chuyến với trung bình hơn 40 khách. Tuy nhiên, hiện tuyến BRT giảm còn khoảng 20 người mỗi chuyến trong khung giờ cao điểm; giờ thấp điểm chỉ còn trên dưới 8 khách.
Trước đó ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để phòng chống Covid-19.
Đến sáng 27/3, Việt Nam ghi nhận 153 bệnh nhân Covid-19, trong đó 20 người đã khỏi bệnh. Hà Nội nhiều bệnh nhân nhất với 52 người, TP HCM đứng thứ hai với 40 bệnh nhân trong đó 3 đã khỏi bệnh. 22 tỉnh thành xuất hiện Covid-19.