Sau hơn một năm hoạt động, TP Hà Nội dự kiến cho các phương tiện khác đi vào làn xe buýt nhanh. Ảnh minh họa:Bá Đô. |
Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa có đề xuất về việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh (tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa) cho các phương tiện khác hoạt động.
Cụ thể, Trung tâm đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h00 đến 4h00 ngày hôm sau.
Ngoài ra, để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển của BRT với xe buýt thường, cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT, 10 điểm dừng xe buýt thường được đề nghị di chuyển đến vị trí mới.
Trung tâm cũng đề nghị tiếp tục bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung, để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến...
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Khoảng 4 tháng sau, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng lượng hành khách trung bình mỗi xe buýt nhanh chỉ 34 người, cao nhất chưa tới 48 khách trong khi sử dụng làn riêng là chưa hợp lý nên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn đường ưu tiên của BRT; sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác.
Hà Nội cũng từng công bố việc thành phố sẽ mở tuyến BRT thứ 2 (lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc) trên cơ sở rút kinh nghiệm vận hành tuyến BRT số 1. Gần một năm sau (ngày 21/12/2017), một tuyến buýt được khai trương với điểm cuối là khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuy nhiên đó chỉ là tuyến buýt thường.
Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa. Dọc tuyến buýt có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng) sức chứa 90 hành khách (vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày chủ nhật).