Hà Nội: 1 chủ đầu tư liên tiếp bị tố gây khó cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa bị phản ánh hạn chế nhà thầu tham gia Gói thầu In, đóng quyển tài liệu phục vụ các hội nghị truyền thông năm 2021 do Trung tâm mời thầu. Đây là phản ánh thứ 2 liên tiếp trong 2 tuần gần đây liên quan tới công tác đấu thầu của trung tâm này.
HSMT Gói thầu In, đóng quyển tài liệu phục vụ các hội nghị truyền thông năm 2021 yêu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Rohs (hoặc tương đương). Ảnh: Nhã Chi
HSMT Gói thầu In, đóng quyển tài liệu phục vụ các hội nghị truyền thông năm 2021 yêu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Rohs (hoặc tương đương). Ảnh: Nhã Chi

Hạn chế sự tham gia của nhà thầu?

Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, ngày 16/3/2021, Trung tâm thông báo mời thầu Gói thầu In, đóng quyển tài liệu phục vụ các hội nghị truyền thông năm 2021. Gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách Hà Nội, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng. Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) vô lý.

Đơn cử, HSMT quy định nhà thầu phải đáp ứng về chất lượng in: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn Rohs kèm theo tài liệu chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn Rohs (hoặc tương đương) thì được đánh giá là đạt về kỹ thuật. Các tiêu chuẩn tương tự tiêu chuẩn Rohs nhà thầu phải đáp ứng gồm: ISO 9001-2015 về hệ thống quản lý chất lượng; ISO 14100-2015 về hệ thống quản lý môi trường; ISO 45001-2018 về hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp; ISO 27001-2013 về hệ thống quản lý an ninh thông tin.

“Trước thời điểm đóng thầu, sản phẩm hàng hóa chưa được sản xuất. HSMT đưa ra tiêu chí đánh giá là phải có chứng nhận sản phẩm gói thầu đạt tiêu chuẩn Rohs và các tiêu chuẩn khác để đánh giá trước thời điểm đóng thầu là vô lý”, Nhà thầu nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của Nhà thầu, các tiêu chuẩn mà HSMT yêu cầu không phải là tài liệu chứng minh cho chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là với tiêu chuẩn Rohs khi họ chưa biết có tổ chức hay cá nhân ở trong nước/nước ngoài nào chứng nhận tiêu chuẩn này.

Nhà thầu cũng cho rằng có tiêu chí không phù hợp khác như HSMT yêu cầu nhà thầu phải có xác minh của cơ quan thuế về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đến hết quý II/2020. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT, các tài liệu năng lực và kinh nghiệm nhà thầu nộp cho bên mời thầu (BMT) để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong HSDT. Mà trong HSDT nhà thầu chỉ kê khai thông tin tài chính tròn năm theo Webform chứ không kê khai theo quý như yêu cầu. “Việc đưa ra yêu cầu này để đối chiếu với các thông tin kê khai trong HSDT là không phù hợp. Công ty chúng tôi đã yêu cầu làm rõ HSMT nhưng BMT không làm rõ nội dung này”, Nhà thầu cho biết.

Chủ đầu tư nói gì?

Phản hồi về phản ánh nêu trên, đại diện Trung tâm khẳng định: “HSMT không có bất kỳ tiêu chí nào gây hạn chế nhà thầu và tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng”.

Lý giải về tiêu chí phải có chứng nhận sản phẩm gói thầu đạt tiêu chuẩn Rohs và các tiêu chuẩn khác để đánh giá trước thời điểm đóng thầu, BMT cho rằng, các tiêu chuẩn HSMT đưa ra chỉ nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và “trong sạch”. Đây là gói thầu in ấn, sản phẩm được in theo đơn đặt hàng của BTM, hàng hóa không có sẵn trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu phải có nhà in để chủ động in ấn sản phẩm mà BMT yêu cầu chứ không phải mua sẵn trên thị trường. Theo đó, nhà thầu được lựa chọn trúng thầu phải có các loại giấy phép như yêu cầu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn in ấn theo quy định pháp luật về xuất bản cũng như yêu cầu về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đối với việc HSMT đưa ra tiêu chuẩn Rohs, theo BMT, hiện tiêu chuẩn này áp dụng với chuyên ngành in và có một số nhà thầu Việt Nam đã công bố đáp ứng tiêu chuẩn này.

Về yêu cầu xác minh của cơ quan thuế đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đến hết quý II/2020, BMT cho rằng, yêu cầu này nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Một chuyên gia về đấu thầu nhấn mạnh, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Gói thầu trên liên quan đến hoạt động chuyên ngành. Do đó, theo chuyên gia, nếu nhìn ở góc độ quản lý nhà nước nhằm chọn được sản phẩm an toàn cho môi trường thì tiêu chí HSMT đưa ra như trên là bình thường. Tuy vậy, chuyên gia băn khoăn: “Gói thầu nhỏ mà đưa ra tiêu chuẩn cao như vậy thì có cần thiết hay không? Vì thế, BMT cần có những lý giải xác đáng để tạo sự minh bạch, cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà thầu”.

Chuyên đề