Ngày 10/3, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab (Grab).
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn cũng như kháng nghị của Viện KSND TPHCM và kháng nghị bổ sung của Viện KSND cấp cao tại TPHCM.
Đại diện Vinasun.
Đối đáp quan điểm của Vinasun, Grab chỉ ra một số sai phạm tố tụng của cấp sơ thẩm. Ngoài ra, Grab cho rằng giám định của công ty Cửu Long có nhiều sai sót, Grab không có hành vi trái pháp luật nên không có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn. Vì vậy, Grab đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại.
Đại diện Viện Kiểm sát cấp cao tại TPHCM cho rằng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy trình tố tụng. Grab là đơn vị kinh doanh hợp pháp, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun nếu có sụt giảm thì do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho Vinasun và tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun là không đúng pháp luật. Bản án sơ thẩm còn một số thiếu sót chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án. Sự tồn tại của Grab là phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hiện nay và về lâu dài. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND TPHCM, kháng nghị bổ sung của Viện KSND cấp cao tại TPHCM, đồng thời bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định về thẩm quyền vụ án này giữ nguyên đơn và bị đơn không có ký kết hợp đồng nên thuộc trường hợp tranh chấp ngoài hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế TAND TPHCM, vì vậy, bác kháng cáo về thẩm quyền của phía Grab.
Bị đơn cho rằng bị đơn không can thiệt vào giá cước, cách vận hành quản lý xe và tài xế. Tuy nhiên, trên thực tế bị đơn đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi, bởi lẽ bị đơn thực hiện hoạt động của 1 đơn vị kinh doanh vận tải như lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ lái xe, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, thực hiện cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình xe, giá cước, triển khai các chương trình khuyến mãi...
Qua đó chứng minh bị đơn đã sử dụng phần mềm, biết các đối tác sử dụng phần mềm của mình phải phụ thuộc vào sự quản lý của mình. Cụ thể, bị đơn chia tỉ lệ lợi nhuận theo tỉ lệ nhất định với tài xế, tiếp nhận phản hồi của khách hàng để quyết định thưởng phạt với tài xế.
Những cách thức trên thể hiện đó là hoạt động của 1 đơn vị vận tải nhưng lại quản lý theo khung pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử. Cách thức kinh doanh của bị đơn không phải là cung cấp kết nối hành khách và lái xe theo đề án 24 mà là kinh doanh vận tải taxi. Mà việc kinh doanh vận tải taxi phải tuân thủ Nghị định 86.
Tòa phúc thẩm đánh giá rằng trong thời đại 4.0, bị đơn đã cung cấp 1 loại hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, người lao động có thêm thu nhập, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Lợi ích bị đơn mang lại là không thể phủ nhận.
Grab phải bồi thường cho Vinasun.
HĐXX cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của bị đơn và thiệt hại của nguyên đơn. Toà án sơ thẩm cho rằng thiệt hại do sụt giảm vốn hoá thị trường của nguyên đơn không tách bạch được với phần thiệt hại do bị đơn gây ra. Cho nên không chấp nhận phần yêu cầu bồi thường thiệt hại 36 tỉ đồng là không có căn cứ. Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng không xuất trình được các chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, bác kháng nghị của Viện Kiểm sát 2 cấp, tuyên y án sơ thẩm. Theo quy định, bản án phúc thẩm chính thức có hiệu lực sau khi tòa tuyên án, đồng nghĩa với việc Grab chính thức phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỷ đồng.