Một dự án nhà ở do doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp Nhật thực hiện. Ảnh: HẢI NAM |
Thu hút FDI hai tháng đầu năm đạt gần 3,4 tỉ đô la Mỹ
Số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết từ đầu năm đến ngày 20-2-2017, cả nước có 313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, lượt dự án đăng ký tăng vốn là 137 với tổng số vốn đầu tư thêm là 759,5 triệu đô la Mỹ, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm là 654 với tổng giá trị vốn góp là 619 triệu đô la Mỹ, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, tổng cộng cả ba cấu thành trên, tổng vốn FDI chảy vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20-2-2017 là gần 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng vốn vào Việt Nam tăng mạnh, song ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới chỉ giải ngân được 1,55 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến trên không gây nhiều ngạc nhiên khi nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đăng ký các dự án đầu tư ngay trong thời điểm đầu năm (khiến số vốn đăng ký tăng vọt) trong khi hoạt động giải ngân thường chịu ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian thấp điểm ngay trước và sau Tết Nguyên đán.
Như thường lệ, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 2,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 73,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 345,5 triệu đô la Mỹ. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 222,6 triệu đô la Mỹ. Về đối tác, Singapore đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 881,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 25,8% tổng số vốn, tiếp theo là Trung Quốc (721,7 triệu đô la Mỹ) và Hàn Quốc (637,1 triệu đô la Mỹ).
Một số dự án lớn được cấp phép trong hai tháng đầu năm 2017 có thể kể đến như: dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu đô la Mỹ; dự án nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ; dự án sản xuất sợi lốp KVT-1, tổng vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy Nhựa Khải Hồng Việt, tổng vốn đầu tư 150 triệu đô la Mỹ; dự án Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương, tổng vốn đầu tư 124 triệu đô la Mỹ...
Trong tháng ba tới, vốn FDI đăng ký thậm chí còn có thể đạt mức cao hơn hẳn tháng 1 và tháng 2 nhờ việc Công ty Samsung Display mới đây đã nhận được giấy chứng nhận tiếp tục mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh với tổng số vốn đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ (con số này chưa tính vào số liệu FDI hai tháng đầu năm).
Lạc quan số liệu về doanh nghiệp nước ngoài góp vốn mua cổ phần
Vào tháng 8-2016, Cục Đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên công bố số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, thay vì chỉ góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như trước đây. Cùng với vốn FDI được đăng ký đầu tư tại các cơ quan quản lý nhà nước, thì con số về vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng góp phần quan trọng, vẽ nên một bức tranh toàn diện hơn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, kể từ thời điểm 1-7-2015, khi Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp ở Việt Nam đã ngày càng trở nên sôi động hơn. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì việc góp vốn, mua cổ phần sẽ không phải thực hiện đăng ký đầu tư như với các dự án đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức đầu tư này, vừa không mất thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, vừa nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam. Điểm đáng tiếc là Cục Đầu tư nước ngoài chỉ công bố con số tổng hợp chứ không công bố cụ thể từng khoản đầu tư có giá trị lớn nên không rõ việc góp vốn này được rót vào những công ty nào. Tuy nhiên, vẫn có một số con số đáng lưu ý.
Cụ thể, tính từ ngày 1-7-2015 (thời điểm Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực) đến ngày 20-7-2016, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, tính riêng trong bảy tháng năm 2016, có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Nếu tính theo ngành, thì các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số cụ thể là đầu tư vào 33 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn góp 350 triệu đô la Mỹ, chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với 57 dự án, tổng giá trị vốn góp 318,9 triệu đô la Mỹ, chiếm 21% tổng số vốn góp. Lĩnh vực bán buôn có 197 dự án và tổng giá trị vốn góp là 77,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 5,1% tổng số vốn góp. Tiếp theo là các lĩnh vực vận tải hành khách hàng không, sản xuất sản phẩm từ plastic và các lĩnh vực khác.
Việc đầu tư thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng thời phản ánh khá rõ nét xu hướng của dòng vốn ngoại trong hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam. M&A được coi là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp thâm nhập thị trường nội địa. Hơn nữa, xu hướng này đang gặp nhiều điều kiện hỗ trợ, đặc biệt là chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên khi hoạt động đầu tư FDI thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới.